Chính phủ không giấy tờ
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, từ năm 2019, Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ các cuộc họp và xử lý công việc của Chính phủ được đưa vào vận hành, đã góp phần thay đổi tư duy của các cơ quan hành chính nhà nước khi chuyển từ xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử. Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 100% bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Đây là hệ thống quan trọng để thúc đẩy việc gửi, nhận thông tin, dữ liệu về văn bản điện tử, chế độ báo cáo, dịch vụ công và xử lý công việc trên môi trường mạng. Đến nay đã có trên 2,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, Trục liên thông tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hệ thống thông tin phục vụ các cuộc họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) có mục tiêu đổi mới phương thức làm việc, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Hệ thống đã phục vụ 20 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý trên 470 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, theo đó, thay thế việc in ấn, phát hành hơn 200.000 hồ sơ, tài liệu giấy. Tổng chi phí tiết kiệm một năm khoảng 169 tỷ đồng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhờ biểu đồ trực quan, tính năng phân tích, dự báo số liệu chuyên sâu; đồng thời, cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu về kinh tế - xã hội Quốc hội giao Chính phủ; các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương.
Đến nay, đã có 16 bộ, cơ quan kết nối với Hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm.
Việc khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp, báo cáo và chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cụ thể là kết nối, chia sẻ, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan. Lợi ích của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo…
Thay vì gửi, nhận báo cáo tháng, quý, 6 tháng, báo cáo năm hay các báo cáo đột xuất khác bằng giấy, các bộ, cơ quan cập nhật lên Hệ thống theo chế độ báo cáo và có hiển thị thời gian thực hiện. Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, cơ quan, qua Hệ thống có thể thấy diễn biến tình hình kinh tế-xã hội hoặc các vấn đề quan tâm khác trong các lĩnh vực. Điều này giúp Chính phủ có dự báo, nhận định tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ, xử lý chính xác các vấn đề, nội dung được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế quan tâm…
"Mặc dù vậy, việc khai trương Hệ thống và Trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
1.000 dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Lấy số thứ tự tự động có hình ảnh tại bộ phận “Một cửa” tại Sở Giao thông Vận tải Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Sau hơn 8 tháng vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63/63 địa phương và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử. Đã có gần 56,4 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, hơn 260.000 hồ sơ đã được thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong tháng 7/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã xử lý 3.316 giao dịch thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế và thu phạt giao thông.
Dự kiến, ba dịch vụ công gồm: dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (dịch vụ công thứ 998); liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động (dịch vụ công thứ 999) và dịch vụ cấp đăng ký, biển số xe điện tử đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (dịch vụ công thứ 1.000) sẽ được tích hợp và thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia kể từ ngày 19/8.
Theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), với việc đưa vào thực hiện trực tuyến hai dịch vụ của ngành Bảo hiểm xã hội là đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo tình hình thay đổi lao động vào tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu 1.644 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ công đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho đơn vị sử dụng lao động sẽ phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng. Hiện nay, các đơn vị lao động hàng tháng đều làm bằng hình thức thủ công. Nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục này.
"Nếu chỉ lấy con số 501.044 đơn vị sử dụng lao động đã có giao dịch điện tử với Bảo hiểm xã hội thì số tiền tiết kiệm của toàn xã hội hàng năm sẽ khoảng 1.300 tỷ đồng/năm", ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết.
Dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất); đồng thời giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu 344 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, việc cấp đăng ký, biển số xe điện tử đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước mắt sẽ được thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian thí điểm, dịch vụ công này được triển khai trực tuyến mức độ 3. Sau khi cơ quan Công an kiểm tra hồ sơ trực tuyến, cho phép bấm biển trực tuyến. Cá nhân, tổ chức chỉ cần mang xe đến cơ quan Công an để kiểm tra lại số khung, số máy và gắn biển, nhận giấy chứng nhận đăng ký xe.
Từ tháng 11/2020, triển khai toàn quốc việc thực hiện cấp đăng ký, biển số xe đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu chưa qua sử dụng. Về lâu dài, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp đăng ký, biển số xe điện tử. Theo đó, cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập, khai số phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, số chứng từ lệ phí trước bạ và một số thông tin nhân thân để hoàn thành tờ khai giấy đăng ký xe.
Trên cơ sở đó, các cơ sở dữ liệu (thuế, đăng kiểm, hải quan) sẽ chia sẻ dữ liệu đến thông tin xe, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nguồn gốc xe, chứng từ lệ phí trước bạ để hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 58/2020/TTBCA. Cơ quan Công an kiểm tra, xử lý, nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu sẽ cho phép bấm biển số tự động và thực hiện cấp giấy chứng nhận, cấp biển số cho cá nhân, tổ chức. Việc trả kết quả có thể sử dụng qua bưu chính công ích.
Theo TTXVN/Báo Tin tức