Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020)

Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam

75 năm trước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt toàn dân tộc làm lên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Xác định nhiệm vụ, hình thức và phương pháp cách mạng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Và chỉ sau 15 năm xây dựng, vượt bao gian khổ, Đảng ta đã làm nên kỳ tích - lãnh đạo nhân dân tiến hành thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Vai trò quyết định của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám trước thể hiện ở sự phát triển hoàn chỉnh hệ thống các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc và lựa chọn hình thức, phương pháp cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.

Ảnh tư liệu

Những quan điểm cơ bản chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được thể hiện rõ nét qua các hội nghị Trung ương Ðảng (tháng 11-1939 và tháng 11-1940) và nhất là Hội nghị Trung ương tám (tháng 5-1941). Đó là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 chỉ rõ "Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không có con đường nào khác hơn là đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập" (1). Hội nghị Trung ương tám (tháng 5-1941) nhấn mạnh: "Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Ðảng ta" (2). "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc" (3).

Về hình thức, Đảng chủ trương động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, yêu nước để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc. Mặt trận được xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ và bao gồm các đoàn thể cứu quốc. Ðảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách đưa quan điểm, chính sách vào các đoàn thể và hoạt động của Mặt trận và thông qua các đảng viên tham gia Mặt trận và đoàn thể.

Về phương pháp cách mạng, Ðảng đặt nhiệm vụ khởi nghĩa vũ trang để giành độc lập, giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm. Hội nghị trung ương tám (tháng 5-1941) xác định: “Cuộc cách mạng Ðông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để “với lực lượng đó, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn" (4). Trên quan điểm đó, Ðảng ta đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27-9-1940), Ðảng chủ trương phát triển lực lượng vũ trang từ đội du kích Bắc Sơn, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn-Vũ Nhai, xây dựng cứu quốc quân. Ngày 28-1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng. Tại các căn cứ địa lực lượng chính trị của quần chúng tập hợp trong Mặt trận Việt Minh ngày càng phát triển rộng lớn. Từ lực lượng chính trị đó phát triển lực lượng vũ trang. Những vấn đề về chính quyền, về kinh tế, xã hội cũng được đặt ra và thực hiện ở vùng căn cứ địa cách mạng.

Phân tích, dự báo thời cơ, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng khởi nghĩa

Các hội nghị Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân tích tình hình chiến tranh thế giới, âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, phát-xít Nhật và dự báo thời cơ, chỉ đạo xây dựng lực lượng về mọi mặt, chú trọng công tác xây dựng Ðảng để Ðảng có thể hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo thành công cách mạng giải phóng dân tộc.

Năm 1944, tình hình thế giới có những chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Thư gửi đồng bào toàn quốc" tháng 10-1944 đã chỉ rõ “Cơ hội cho dân tộc ta, giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” (5). Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22-12-1944).

Ngày 9-3-1945 phát-xít Nhật đã làm đảo chính gạt bỏ thực dân Pháp để độc chiếm Ðông Dương. Thường vụ Trung ương Ðảng đã kịp thời ra bản chỉ thị lịch sử: Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12-3-1945). Chỉ thị nêu rõ kẻ thù của cách mạng là phát-xít Nhật, vì vậy khẩu hiệu là Ðánh đuổi phát-xít Nhật. Ðảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ðây là thời kỳ tiền khởi nghĩa, phải thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho phù hợp. Sẵn sàng chuyển sang tổng khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Tháng 4-1945 các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 4-6-1945, thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc với sáu tỉnh như là căn cứ địa của cách mạng cả nước. Tổ chức Việt Minh phát triển rộng khắp trên cả nước. Không chỉ ở căn cứ địa, ở vùng nông thôn mà phong trào ở đô thị cũng phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, học sinh, sinh viên trí thức.

“Lập nên một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập”

Tháng 5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tuyên Quang. Tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp ngày 14 và 15-8-1945. Lúc này phong trào cách mạng của toàn dân đang diễn ra sôi sục trong cả nước. Ðảng ta nhận định "cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới" (6). Mục đích cuộc chiến đấu của ta giành quyền độc lập hoàn toàn. Tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa theo ba nguyên tắc: a) Tập trung-tập trung lực lượng vào những việc chính; b) Thống nhất-thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; c) Kịp thời-kịp thời hành động, không bỏ lỡ thời cơ. Khẩu hiệu đấu tranh của Ðảng là Phản đối xâm lược, hoàn toàn độc lập, chính quyền nhân dân. Hội nghị Ðảng toàn quốc công bố mười chính sách của Việt Minh và nhấn mạnh chủ trương "Lập nên một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa hoàn toàn độc lập" (7).

Lệnh khởi nghĩa - Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa - được ban bố: Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta. Cũng ở thời điểm lịch sử đó Hồ Chí Minh có Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa nêu rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"(8).

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Ðại hội họp và ra Nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc và thi hành mười chính sách lớn của Việt Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng được thành lập gồm 15 ủy viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thường trực Ủy ban gồm Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Ðức Hiền trực tiếp chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Ủy ban dân tộc giải phóng là tổ chức tiền thân của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Nghị quyết của Quốc dân Ðại hội nhấn mạnh mục tiêu: "Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập"(9). Thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Quốc dân Ðại hội, chỉ trong vòng hai tuần từ 14 đến 28-8-1945, nhân dân cả nước ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám.

75 năm đã trôi qua song thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Trong đó, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là bài học quý đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hôm nay.

--------------------------
(1): Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr 536.
(2), (3): Văn kiện Ðảng toàn tập, sđd, tập 7, tr 118, 119.
(4): Văn kiện Ðảng toàn tập, sđd, tập 7, tr 129, 131, 132.
(5): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr 538
(6), (7): Văn kiện Ðảng toàn tập, sđd, tập 7, tr 424, 425.
(8): Văn kiện Ðảng toàn tập, sđd, tập 7, tr 418.
(9): Văn kiện Ðảng toàn tập, sđd, tập 7, tr 559, 560.
(10): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 7, tr 25.