Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm nay, thực hiện nhiệm vụ đột phá, Sở Xây dựng đã thực hiện xử ý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các công trình vi phạm nghiêm trọng. Sở cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, tổ chức họp giao ban quý đối với công tác quản lý trật tự xây dựng; chỉ đạo Thanh tra Xây dựng tiến hành kiểm tra 17 công trình, phát hiện 2 công trình vi phạm sai nội dung về giấy phép xây dựng và không có giấy phép xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng. Về kiểm tra nhà ở riêng lẻ, Thanh tra Xây dựng đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phát hiện 81 công trình xây dựng vi phạm. Trong đó, có 6 trường hợp sai phép và không phép (tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019); vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp có 65 trường hợp (tăng 27 trường hợp); lấn chiếm đất công 8 trường hợp (tăng 8 trường hợp) và 2 trường hợp vi phạm khác liên quan đến trật tự xây dựng. Đến nay, các địa phương đã ban hành 62 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 1 quyết định cưỡng chế, với tổng số tiền thu từ xử phạt trên 300 triệu đồng. Hiện còn 19 trường hợp vẫn chưa ban hành quyết định xử lý vi phạm.
Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc các huyện, tình hình vi phạm trật tự xây dựng cũng diễn biến khá phức tạp. Trong 6 tháng, qua kiểm tra 250 lượt đối với các công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ, lực lượng chức năng đã phát hiện 33 trường hợp vi phạm, tăng 7 trường hợp (gần 27%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, huyện Ninh Hải có 27 trường hợp xây dựng sai mục đích, chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái đều có trường hợp vi phạm. Điều đáng nói là sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm, nhiều đối tượng vẫn không chấp hành việc nộp phạt và và thực hiện các biện pháp khắc phục cho đến khi quyết định hết hiệu lực thi hành. Thậm chí tiếp tục lén lút xây dựng công trình để hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Trong ảnh: Một công trình xây dựng trái phép trên địa bàn thôn Lương Cách, xã Hộ Hải (Ninh Hải).
Nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý trật tự xây dựng còn nhiều bất cập trước hết phải thấy rằng, do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, đất đai tại các địa phương chưa được thường xuyên. Đội ngũ làm công tác quản lý chuyên môn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình. Công tác phát hiện và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương thời gian qua chưa kịp thời, đồng bộ và thiếu kiên quyết, chặt chẽ. Theo Thanh tra Sở xây dựng, thực tế cho thấy, các phường, xã sau khi phát hiện vi phạm, lập biên bản ban hành quyết định đình chỉ thi công nhưng không kiên quyết tổ chức lực lượng cấm nhân công, phương tiện vận chuyển vật liệu vào thi công xây dựng công trình và cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm; còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu tính răn đe.
Nhằm lập lại trật tự kỷ cương tạo chuyển biến trong quản lý xây dựng, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 16, ngày 29-6-2020 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác quản lý trật tự xây dựng; tăng cường phối hợp giữa chính quyền với UBMT Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tham gia công tác quản lý và giám sát, phản biện xã hội trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, xử lý triệt để, kiến quyết cưỡng chế buộc khôi phục hiện trạng đối với việc san lấp, xây dựng, tháo dỡ nhà ở, công trình vi phạm để răn đe, giáo dục. Tập trung kiểm tra thường xuyên, có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc về xây dựng, đất đai tại các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh như: khu vực đường ven biển, giải ven biển, các khu phát triển mới các dự án đôi thị, du lịch, dịch vụ, các vị trí đất có giá trị thương mại cao… Đối với các trường hợp tái phạm, vi phạm nghiêm trọng phải xử lý nghiêm túc, dứt điểm theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để kịp thời phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và đất đai, các địa phương cần công bố đường dây nóng, zalo của người đứng đầu cấp huyện, xã để tiếp nhận thông tin, hình ảnh về vi phạm trật tự xây dựng, đất đai; xây dựng cơ chế phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng, có cơ chế và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Mặt khác, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện các quy định về quản lý trật tự xây dựng. Về lâu dài, các địa phương cần tổng hợp về nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân để có giải pháp quy hoạch, đầu tư các khu dân cư phù hợp với địa phương, giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân để hạn chế tình trạng xây dựng sai phép, không phép.
Anh Tuấn