Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020)

Nỗ lực đền đáp người có công

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng.

Hoàn thiện chính sách

Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16-2-1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ” đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, bảo đảm chất lượng để từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công.

Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiểu, xã Phương Hải (Ninh Hải). Ảnh: Nguyên Vũ

Đặc biệt từ năm 1986 đến nay, trong vấn đề ưu đãi đối với người có công, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong cùng năm 1994.

Từ đó đến nay, Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã 6 lần sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.

Như vậy, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công đã từng bước được hoàn thiện. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công.

Không để người có công nào không được hưởng chính sách

Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành. Đã có trên 9 triệu người, trong đó, có trên 1,2 triệu liệt sỹ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.

Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước, như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sỹ… theo ngân sách nhà nước hằng năm là trên 30.000 tỷ đồng. Hằng năm, Chủ tịch nước cũng dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.

Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ ngân sách nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được duy trì và tiếp tục phát huy từ trung ương đến địa phương; Quỹ đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia; góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng. Hằng năm, hàng nghìn tỷ đồng dành để tặng sổ tiết kiệm; xây, sửa nhà tình nghĩa; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng.

Ngoài ra, người có công và thân nhân còn được hưởng các ưu đãi khác: về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng...

Các chế độ ưu đãi được quy định đối với từng diện đối tượng người có công bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân. Đến nay, cả nước có 98% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng (liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) trên toàn quốc; đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sỹ. Đồng thời, đã tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sỹ. Đặc biệt, trong số liệt sỹ được công nhận có những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm nhưng do không còn thân nhân cùng nhiều yếu tố khác nay mới được công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Có thể nói, cùng với việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác rà soát với nhiều hình thức như: tổ chức các đợt rà soát trên diện rộng hoặc rà soát ở phạm vi hẹp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực, địa phương cụ thể; đồng thời khuyến khích các cơ quan, đoàn thể và quần chúng nhân dân phát hiện, đề xuất giải quyết chế độ đối với người có công chưa được hưởng chính sách. Qua đó, thực hiện được mục tiêu mọi người có công đều được hưởng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đồng thời thấy rõ những vấn đề còn bất cập của chính sách, phát hiện các tiêu cực trong việc xét duyệt và thực hiện chế độ ưu đãi người có công.