Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động người có công và xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, cơ quan này đã tập trung triển khai gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ bảo đảm công khai, minh bạch, thận trọng, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn trục lợi chính sách. Cơ bản, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lên danh sách và chi trả trực tiếp đến các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Chi trả tiền hỗ trợ cho người dân tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tính đến ngày 13/7/2020, đã thực hiện giải ngân 11.593,816 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.539.858 người và 9.425 hộ kinh doanh.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước tạo việc làm cho trên 574.000 người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019; đưa trên 34.000 người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62,4%.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo dần đi vào thực chất hơn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 3,75%, giảm 1,48% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm 5,78% so với cuối năm 2018...
Đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành cũng như cả nước chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, toàn ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Qua đánh giá, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động - việc làm do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nên đạt thấp so với cùng kỳ, các chỉ tiêu khác của ngành 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu năm đến nay, cùng với những khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đứng trước nhiều thách thức. Đặc biệt, đại dịch tác động lớn đến "đứt gãy" các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngưng việc gia tăng. Chưa có thời điểm nào, tỷ lệ thất nghiệp cao như thời điểm này, khoảng 2,56%, trong khi cuối năm 2019, là 1,98%. Các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động gia tăng, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không, ăn uống… chịu ảnh hưởng lớn. Quy mô lao động từ 55,4 triệu người xuống còn khoảng 52 triệu.
Tình trạng ngừng việc, giãn việc, thậm chí thất nghiệp ở các doanh nghiệp chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số khu vực có tính chất tạm thời. Những tác động này nếu không giải quyết sớm, thời gian tới, tình trạng thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra nhiều ở các khu vực FDI, các tập đoàn lớn.
"Trong bối cảnh đó, cùng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng, chung sức của cả nước, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm vẫn có những kết quả đáng ghi nhận", ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Với việc thực hiện mục tiêu kép, vừa "chống dịch như chống giặc", vừa ưu tiên để ổn định khôi phục, phát triển, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đang thực hiện hàng loạt các chương trình, từ kích cầu kinh tế, tới các gói an sinh để hỗ trợ. Do đó, sau thực hiện giãn cách xã hội, thị trường lao động Việt Nam phục hồi trở lại rất nhanh. Dự báo thị trường lao động Việt Nam quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người tương đương quý I/2020
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, đi đôi với việc ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế, trong 6 tháng cuối năm 2020, ngành cần chú trọng công tác xây dựng thể chế, hoạch định các chương trình mục tiêu. Đồng thời, cần làm tốt công tác tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đẩy nhanh việc khắc phục tình trạng bia mộ liệt sĩ vô danh, tiếp tục gói an sinh 62.000 tỷ đồng có hiệu quả, công tác triển khai và giám sát trên toàn quốc…
Theo TTXVN/Báo Tin tức