Nghị quyết quyết nghị: mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/1/2021.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Trước đó, khi trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ: Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh tại các quốc gia nhiều khả năng vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là các chuyên gia, nhà ngoại giao, chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch. Do tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật thuế Bảo vệ môi trường thì việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết.
* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Tại tờ trình, Chính phủ cho biết, qua thực tế tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định tại Luật Giá thời gian qua cho thấy mục tiêu điều tiết về giá sách giáo khoa không thực sự hiệu quả. Theo đó, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội.
Từ đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Theo đó, thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do vậy, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này...
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng bộ sách lớp 1 đã được chọn, in ấn, được mua. Sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá theo Luật giá. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định cũng phải nằm trong danh mục của Luật giá. Chính vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát lại, có cái nhìn căn cơ tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ, đánh giá báo cáo Quốc hội ở cấp độ nghị quyết của Quốc hội, hoặc sửa lại Luật giá.
Do chặng đường dài, tác động lớn, thậm chí phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền nên không thể quyết định vội vàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại hồ sơ cho Chính phủ để tiếp tục thực hiện, còn lại thực hiện theo chính sách hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, những nội dung của Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành; đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ tiếp tục thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị những dự án, những nội dung sẽ tiếp tục làm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện đã là giữa tháng 7/2020 và trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 10, dự kiến sẽ diễn ra Đại hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41), do đó trên cơ sở kết quả Kỳ họp thứ 9, các cơ quan hữu quan cần tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, nhất là những dự án luật sẽ trình Quốc hội.
Theo TTXVN/Báo Tin tức