Các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ của các nước ASEAN đã ra Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho Thế giới công việc đang đổi thay (bản dịch) với các nội dung như sau:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Chúng tôi, các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi tắt là ASEAN), gồm có Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippine, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cùng họp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với Tầm nhìn ASEAN 2025 về xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng đến con người và lấy con người làm trung tâm mà tại đó người dân của chúng ta có được chất lượng cuộc sống cao hơn và hưởng các lợi ích của việc xây dựng cộng đồng;
Nhớ lại rằng một trong những mục đích chính của ASEAN được quy định trong Hiến chương ASEAN là phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác chặt chẽ hơn nữa về giáo dục và học tập suốt đời và về khoa học, kỹ thuật và đổi mới để tăng cường quyền năng cho người dân ASEAN và tăng cường sức mạnh của Cộng đồng ASEAN;
Khẳng định lại cam kết của chúng tôi trong Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN vì một ASEAN tự cường và sáng tạo đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 để nắm bắt những cơ hội mang lại bởi công nghệ và sáng tạo xuất hiện trong cuộc cách mạng số, để thực hiện các giải pháp thông minh và sáng tạo, cũng như cải tiến kết nối kỹ thuật số giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh kế của người dân, trong khi xây dựng khả năng chống chọi trước những tác động tiêu cực tiềm ẩn;
Tiếp tục tái khẳng định những cam kết trong Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về Tương lai việc làm: Nắm bắt công nghệ để tăng trưởng toàn diện và bền vững được ký vào tháng 4 năm 2018; Tuyên bố chung của Bộ trưởng Lao động ASEAN về Sáng kiến xanh cho Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 108 được thông qua vào tháng 6 năm 2019; Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy Việc làm xanh hướng tới Công bằng và Tăng trưởng hòa nhập đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33; Tuyên bố Viêng-Chăn về Chuyển đổi từ Việc làm phi chính thức sang Việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy Việc làm bền vững trong ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29; Tuyên bố Băng Cốc về Thúc đẩy quan hệ đối tác về Giáo dục để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững trong ASEAN, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Tuyên bố ASEAN về Chuyển đổi nền công nghiệp thành Công nghiệp 4.0 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35; và Tuyên bố Kuala Lumpur về Giáo dục đại học thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 27.
Nhận thức rõ về thế giới công việc đang đổi thay do những tiến bộ công nghệ, sự chuyển dịch dân số và các nền kinh tế xanh hóa, những thứ vừa mang lại cơ hội cũng vừa mang lại thách thức cho các nền kinh tế, các ngành nghề và việc làm trong khu vực.
Cam kết trang bị cho nguồn nhân lực ASEAN những kỹ năng để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai, qua đó khiến họ có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh và khả năng tự cường của ASEAN, bảo vệ họ khỏi những tác động tiêu cực tiềm tàng của công nghệ, giúp họ có khả năng quản lý sự chuyển đổi và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong thế giới công việc đang đổi thay này.
Thừa nhận tầm quan trọng của các nỗ lực tập thể trong khu vực và tại mỗi quốc gia thành viên và sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp nhằm đẩy nhanh các nỗ lực trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai của ASEAN.
Tại đây:
Nhất trí thực hiện các hành động sau, trên cơ sở xem xét khả năng và nguồn lực của mỗi quốc gia thành viên, để chuẩn bị cho lực lượng lao động của ASEAN trước thế giới công việc đang đổi thay:
1. Nuôi dưỡng văn hóa học tập suốt đời trong xã hội và nâng cao nhận thức của thanh niên, người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc đầu tư vào phát triển kỹ năng để thích ứng với thế giới công việc đang đổi thay, bao gồm giáo dục và đào tạo;
2. Tăng cường tính bao trùm của giáo dục và việc làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là việc cải thiện khả năng tiếp cận, chất lượng đào tạo kỹ năng và cơ hội việc làm cho tất cả phụ nữ, người khuyết tật, người già, người ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, những người làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
3. Nỗ lực để có một khung chính sách quốc gia và/hoặc kế hoạch hành động về phát triển nguồn nhân lực, hướng tới cải thiện sự gắn kết của chính sách và đưa ra những mối quan tâm xuyên suốt cho phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chính sách của giáo dục, đào tạo, thị trường lao động và phát triển công nghiệp;
4. Tăng cường khả năng thích ứng và tính mạch lạc của các chính sách lao động, giáo dục, kinh tế và các khung khổ thể chế trong việc thúc đẩy các lĩnh vực dưới đây hướng tới các cơ hội việc làm tốt hơn, khả năng tìm được việc làm, thu nhập cao hơn, an ninh việc làm, chất lượng việc làm và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, trên cơ sở liên quan và thuộc khuôn khổ của mỗi nước thành viên:
a. Đổi mới và sử dụng công nghệ trong phương pháp dạy và học;
b. Các hệ thống giáo dục thúc đẩy các năng lực giúp tất cả chúng ta chuẩn bị cho việc học tập suốt đời và thúc đẩy kỹ năng thế kỷ 21, bao gồm cả kỹ năng xanh;
c. Năng lực, năng suất lao động, và sự linh hoạt việc làm (bao gồm cả tính di động) của người lao động;
d. Các mô hình kinh doanh, bao gồm đào tạo lại, nâng cao kỹ năng và tiếp thu kỹ năng mới của người lao động;
e. Công nhận kỹ năng lẫn nhau để hỗ trợ di chuyển của lao động có tay nghề.
5. Thúc đẩy các chính sách và sáng kiến cho việc học tập suốt đời bao gồm các giai đoạn chính của giáo dục và đào tạo (ví dụ giáo dục cơ bản, giáo dục nghề nghiệp (TVET), giáo dục đại học) và phát triển kỹ năng trong các tổ chức đáp ứng được các nhu cầu kỹ năng hiện tại và tương lai và cho phép dịch chuyển nghề nghiệp và phát triển sự nghiệp;
6. Tăng cường vai trò lãnh đạo của khu vực doanh nghiệp, ngành công nghiệp và các cơ sở giáo dục về phát triển nguồn nhân lực bằng cách thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ và khu vực tư nhân, và đưa ra các ưu đãi và công nhận đối với các công ty đầu tư nguồn lực vào công tác đào tạo kỹ năng, thực tập và học nghề;
7. Nâng cao tính thiết thực của giáo dục nghề nghiệp bằng cách mô tả các cơ hội việc làm thỏa đáng, chuyển dịch từ trường học sang làm việc, sự tiến bộ trong sự nghiệp của sinh viên hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp; tiến hành các chiến dịch vận động chính sách; cung cấp hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm bị thiệt thòi để họ tham gia vào các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phi truyền thống; và khuyến khích việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng và công nhận của giáo dục nghề nghiệp tại các quốc gia thành viên ASEAN;
8. Thúc đẩy năng lực và trình độ theo nhu cầu trong giáo dục nghề nghiệp cũng như trong giáo dục đại học bằng cách thiết kế chương trình giảng dạy và đánh giá, thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ bằng các nghiên cứu cập nhật về công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu thị trường lao động dẫn đến tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo theo ngành công nghiệp;
9. Cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin thị trường lao động, trên cơ sở phù hợp, tiến tới một hệ thống thông tin thị trường lao động vững mạnh và mạch lạc, bao gồm dự báo các kỹ năng, để hỗ trợ năng lực của các chính phủ, của các cơ sở giáo dục, khu vực doanh nghiệp và các đối tác khác trong việc thúc đẩy giáo dục và đào tạo theo định hướng thị trường;
10. Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo quyền tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng như trên internet và công nghệ thông tin, để các cơ hội do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể được tận dụng một cách rộng rãi;
11. Tăng cường/thành lập các cơ quan liên ngành về phát triển nguồn nhân lực trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phát triển công nghiệp và quản trị lao động, hướng tới cải thiện sự gắn kết của chính sách, trên cơ sở bản chất xuyên suốt của phát triển nguồn nhân lực;
12. Thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN (ATC) như một diễn đàn để điều phối, nghiên cứu và phát triển về đổi mới sáng tạo và giám sát các chương trình khu vực hỗ trợ cho sự tiến bộ của giáo dục nghề nghiệp trong khu vực;
13. Thiết lập một quỹ trung tâm với sự đóng góp của các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác để hỗ trợ các ưu tiên và nghiên cứu về các nhu cầu kỹ năng trong tương lai;
14. Tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành ASEAN, khu vực tư nhân, giới nghiên cứu, các đối tác ba bên và các bên liên quan khác nhằm tạo điều kiện cho ASEAN tiếp cận có tính phối hợp và toàn diện trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực;
15. Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN, bao gồm các tổ chức quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho việc chia sẻ các mô hình, thực tiễn tốt và kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới việc làm đang thay đổi.
Chúng tôi nhất trí xây dựng một lộ trình thực hiện Tuyên bố này thông qua các chiến lược và hành động cụ thể góp phần vào các kế hoạch công tác của Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED), Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN (ATC) và các cơ quan chuyên ngành liên quan khác.
Chúng tôi đề nghị ALMM và ASED, với sự hỗ trợ của Hội nghị Quan chức cấp cao về lao động ASEAN (SLOM), Hội nghị Quan chức cấp cao về Giáo dục ASEAN (SOM-ED) và ATC, cùng tham gia điều phối việc triển khai Tuyên bố này, bao gồm cả việc huy động nguồn lực, tùy vào luật pháp và các quy định, chính sách của từng quốc gia thành viên ASEAN.
Tuyên bố được thông qua ngày 26 tháng 6 năm 2020.
Theo TTXVN/Báo Tin tức