Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, chiều 26/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA-41) Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các Nhà Lãnh đạo ASEAN và các Đối tác tham dự Phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 dự Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: TTXVN
Tham dự có: Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern; Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam, Trưởng Đoàn đại biểu AIPA Việt Nam Tòng Thị Phóng...
Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các nhà Lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng cộng đồng. Hoạt động nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.
Đóng góp hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN
Chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước phồn vinh. Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... và những ngày qua với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Nêu rõ vẫn còn bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nước ASEAN cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện phát huy thế mạnh, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại và trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp phụ nữ giải phóng được tiềm năng, vượt qua các rào cản và thách thức hiện tại, tạo ra sự thay đổi cần thiết trong tương lai.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, phụ nữ chỉ chiếm 2% trong tổng số các nhà đàm phán, hòa giải, song lại là nhân tố không thể thiếu trong các tiến trình hợp tác, giúp kiến tạo nền hòa bình và an ninh bền vững hơn. Tỷ lệ phụ nữ hiện đảm nhận cương vị lãnh đạo, quản lý chiếm 40% trên toàn thế giới và 46% tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 26,7%, cao hơn so với trung bình khu vực châu Á 19,9% và toàn thế giới là 24%. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ - bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo một nghiên cứu khác, việc thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể đóng góp 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP củ khu vực vào năm 2025. Các con số ấn tượng minh chứng cho năng lực, tiềm năng và đóng góp to lớn của phụ nữ.
Tuy vậy, kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Đó là những nguy cơ đối với nhiều người phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp.
Cộng đồng ASEAN đã khẳng định mục tiêu xây dựng một Cộng đồng “mọi người đều được tiếp cận công bằng với các cơ hội, đồng thời quyền của phụ nữ được thúc đẩy và bảo vệ”. ASEAN đã thông qua Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao năm 2017 về phụ nữ, hòa bình và an ninh, triển khai các nỗ lực hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW), Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW), Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC)…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam ưu tiên thực hiện đồng bộ các cam kết, chương trình, kế hoạch tổng thể, gắn kết các cơ chế về phụ nữ, thiết thực hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Tại Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ và trao đổi ý kiến về phương hướng nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số. Trong đó, Phiên họp tập trung thảo luận việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia một cách sáng tạo, đổi mới trong tất cả các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.
Bên cạnh đó, Phiên họp góp phần thúc đẩy đóng góp nhiều hơn của phụ nữ cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững; khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong hoạch định các chương trình, các chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực, đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao thượng tôn pháp luật và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số.
Thủ tướng mong muốn Phiên họp đặc biệt sẽ gợi mở những định hướng quan trọng để phụ nữ ASEAN có thể đóng góp sâu rộng, hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như tham gia tích cực vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm trên bình diện toàn cầu.
Bình đẳng giới và phát triển thịnh vượng
Quang cảnh Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: TTXVN
Tiếp theo, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi phát biểu nhấn mạnh, việc thông qua tuyên bố về việc thực hiện những vấn đề giới, tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và những mục tiêu phát triển bền vững đã đưa vấn đề bình đẳng giới thành hàng trọng tâm trong những vấn đề về phát triển. Những khuôn khổ hiện nay về vấn đề lồng ghép giới đang thúc đẩy hơn nữa nỗ lực của ASEAN về thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả 3 trụ cột chính.
Khu vực ASEAN bắt đầu cho kỷ nguyên số, một khi thực hiện đầy đủ thì nền kinh tế số có thể mang lại 1.000 tỷ USD cho GDP của khu vực vào năm 2025. Trong khi những lợi ích tiềm năng là rõ ràng thì những lợi ích này không phải lúc nào cũng là bình đẳng.
Theo ông Dato Lim Jock Hoi, cần phải đảm bảo rằng phụ nữ có thể được hưởng lợi bình đẳng từ quá trình số hóa cũng như là việc áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa, số hóa… hiện nay không còn là sự lựa chọn mà là điều cần thiết. Những kỹ năng về số hiện nay có yếu tố hết sức quan trọng trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng vẫn còn đó trên toàn cầu. Số phụ nữ có điện thoại thông minh ít hơn so với nam giới là 327 triệu người. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì tỷ lệ truy cập vào internet của nam giới là 54,6%, trong khi của phụ nữ là 41,3%. Đối với các nền kinh tế phát triển, phụ nữ giữ vị trí quản lý hiện nay không nhiều. Đối với những quốc gia, thị trường đang phát triển và mới nổi như các quốc gia ASEAN, việc hạn chế truy cập cơ sở hạ tầng về internet, kỹ năng về số là rào cản đối với việc trao quyền cho phụ nữ.
Chương trình nghị sự hành động ASEAN trong việc lồng ghép, trao quyền về kinh tế của phụ nữ vào trong Kế hoạch tổng thể về ICT của ASEAN cũng như là những kế hoạch sau đó đem lại khuôn khổ, cung cấp một nền tảng cho công việc này. Việc có một chiến lược cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong những động lực giúp cho quá trình chuyển đổi số của ASEAN, bằng cách thu hẹp khoảng cách trong thị trường giáo dục và lao động cũng như loại bỏ các rào cản có thể ảnh hưởng đến tiềm năng về kinh tế của phụ nữ.
Theo Tổng Thư ký ASEAN, trong quá trình này chúng ta đã đạt nhiều những tiến bộ về thúc đẩy vai trò của phụ nữ tham gia vào quá trình phát triển. Những kỹ năng của phụ nữ trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ, mỹ thuật, toán học có thể giúp xóa bỏ những rào cản về tâm lý, giảm bớt bất công, khoảng cách trong thu nhập. Trong quá trình này cần có tri thức, nguồn lực, sự đầu tư để có thể tạo ra môi trường cho phụ nữ có thể tham gia một cách đầy đủ…
Nhấn mạnh, để những nỗ lực có thể thành công được, ông Dato Lim Jock Hoi cho rằng, cần có sự thay đổi tích cực không chỉ trong suy nghĩ mà cả hành động. Điều này cũng đem lại lợi ích cho toàn bộ xã hội.
Ông Dato Lim Jock Hoi nêu rõ, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến phụ nữ và trẻ em gái trong khi họ vẫn phải làm những việc nhà và những công việc không được trả tiền. Để sẵn sàng cho kỷ nguyên số, ASEAN cũng cần nỗ lực phối hợp cùng nhau trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, đưa ra những chính sách, cải thiện những kỹ năng, tăng cường kết nối về mặt số; cần tiếp tục tăng quyền cho phụ nữ, đảm bảo an toàn và an ninh thông qua mở rộng quyền lựa chọn về sinh kế cho phụ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn sau thời kỳ khủng hoảng.
“Ghi nhớ rằng, bình đẳng về giới không phải chỉ là suy nghĩ thông thường mà đây là phần quan trọng trong việc chúng ta có thể đạt được sự phát triển thịnh vượng về mặt kinh tế. Trên nguyên tắc đó, chúng ta có thể xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người để có thể mang lại sự thay đổi cho phụ nữ và trẻ em gái. ASEAN cam kết và đưa ra những bước đi cụ thể để có thể thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới cũng như những vấn đề giới và tất cả những cộng đồng kinh tế của ASEAN”, ông Dato Lim Jock Hoi nói.
Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA-41) Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ niềm vinh dự tham dự và phát biểu tại Phiên họp đặc biệt cấp cao ASEAN về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số. Cùng với những hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và 5 năm triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), việc tổ chức Phiên họp cho thấy cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thế giới và nhân loại đang trải qua những thời khắc khó khăn khi đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội đối với tất cả các quốc gia. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có khả năng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và nhất là công nghệ số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu những khó khăn, thách thức mới, trong đó khoảng cách bất lợi về giới trong thời đại số ngày càng gia tăng; lao động thủ công mà đa số là lao động nữ có thể bị thay thế bằng tự động hóa, đồng thời với việc nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ số.
Hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Phiên họp là: "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay có 20 nữ lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, có 20,5% Chủ tịch Quốc hội là nữ. Các nước Đông Nam Á có 3 Chủ tịch Quốc hội là nữ ở các nước: Lào, Indonesia và Việt Nam. Và hiện cũng đang có một đội ngũ đông đảo nữ giới với vai trò là các chính khách, doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu trên thế giới, là xu hướng tiến bộ cần phải thúc đẩy và tiếp tục phát huy.
“Ở Việt Nam chúng tôi, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó, chúng tôi đều hiến định: “nam, nữ bình quyền”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ, của các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này. Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của chúng tôi đã ấn định tỷ lệ nữ tối thiểu là ứng cử viên đại biểu dân cử, nhờ vậy mà Quốc hội khóa XIV đương nhiệm của chúng tôi đã có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy ASEAN đã nỗ lực thúc đẩy các chương trình bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ thông qua nhiều sáng kiến, hoạt động trong khuôn khổ chính thức của ASEAN; đồng thời mong rằng ASEAN tiếp tục có những sáng kiến thiết thực nhằm trao quyền cho phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, điều đó phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thế giới.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, ASEAN sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng internet nhanh của thế giới để nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là vai trò của phụ nữ lãnh đạo, góp phần bảo đảm bình đẳng giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các Chính phủ ASEAN và các đối tác một số đề xuất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và nâng cao vị thế đối với phụ nữ, tạo thuận lợi để tất cả phụ nữ và trẻ em gái không chỉ tiếp cận mà còn được hưởng lợi thực chất từ các cơ hội do công nghệ số và hội nhập quốc tế mang lại, từ đó tăng cường sự tham gia và cơ hội phát triển đối với phụ nữ.
Cùng với đó là cần phát huy vai trò của các cơ quan đại biểu dân cử trong việc tham gia ý kiến, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của cử tri nữ, trẻ em gái để có các chính sách phù hợp, tạo điều kiện và xóa bỏ những rào cản để nữ giới có thể tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi.
Cần khuyến khích sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt của nam giới trong việc hỗ trợ nữ giới cả trong công việc gia đình cũng như tại nơi làm việc; tiếp tục thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới, xoá bỏ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em để đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được tôn trọng, bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phát huy cơ chế Nữ nghị sỹ AIPA, thành lập và vận hành có hiệu quả Nhóm nữ nghị sỹ trong các nghị viện thành viên ASEAN và tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực để thúc đẩy tiếng nói và hành động chung về bình đẳng giới cũng như trao quyền cho phụ nữ trong các lĩnh vực.
Trong ASEAN, cần thúc đẩy cách tiếp cận đồng thời cả khía cạnh bình đẳng giới và công nghệ số trong phạm vi toàn khu vực, đẩy mạnh sự hợp tác và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khu vực, quốc tế khác trong lĩnh vực này, thông qua các khuôn khổ của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN (AMMW), Ủy ban Phụ nữ ASEAN (AWC) và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia và cộng đồng xã hội. Đồng thời, để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ, đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Công nghệ số có thể là cầu nối thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại số.
Lãnh đạo các Chính phủ của ASEAN tiếp tục là những hình mẫu thể hiện vai trò cá nhân và chính trị, dẫn dắt và nêu gương trong việc quan tâm thực chất đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới cho tất cả mọi người dân, cộng đồng xã hội trong khu vực và trên toàn cầu.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam và phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc các Chính phủ ASEAN thành công trong công tác quan trọng này và khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm trong vấn đề này.
Theo TTXVT/Báo Tin tức