Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn MT. Trong đó xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia phòng, chống MT, làm cho mỗi gia đình, cá nhân không chỉ thấy được MT là hiểm họa mà còn có trách nhiệm cùng với cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống MT. Công tác tuyên truyền phòng, chống MT đã tập trung hướng về cơ sở, các địa bàn trọng điểm, các nhóm xã hội có nguy cơ bị lôi kéo về tệ nạn MT cao, gắn kết vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giữ địa bàn trong sạch không có MT, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học không có tội phạm MT và tệ nạn MT. Nhiều cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở đã gắn công tác tuyên truyền với việc phát động phong trào quần chúng nên hiệu quả được nâng lên. Cùng với đó, lực lượng Công an mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn MT, giải quyết các tụ điểm, trọng điểm phức tạp về MT. Đi sâu nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, thu thập chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh. Những nỗ lực trên đã góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng hoạt động của tội phạm và tệ nạn MT. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân đã tạo ra bước chuyển biến tích cực xây dựng thế trận toàn dân phòng, chống MT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống MT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.142 người sử dụng MT (đầu năm 2020 chưa kiểm tra, thống kê, do tình hình dịch bệnh COVID-19). Số người nghiện tăng hàng năm, nhất là giới trẻ; số vụ việc liên quan tới người sử dụng MT trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng… gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực và tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Tháng hành động phòng, chống MT, Ngày Thế giới phòng, chống MT và Ngày toàn dân phòng, chống MT (26-6); theo đó, tỉnh quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát MT, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phục vụ công tác này. Tăng cường thực hiện chức năng giám sát công tác phòng, chống và kiểm soát MT của HĐND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp và tham gia vào công tác phòng, chống và kiểm soát MT.
Tập trung chỉ đạo công tác phòng ngừa, xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài, trong đó coi trọng phòng ngừa ngay từ cơ sở và nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống MT, nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện, tố giác tội phạm về MT. Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục con, em tham gia phòng, chống MT. Thường xuyên cập nhật, thông tin cho nhân dân về tác hại của MT, đặc biệt là MT tổng hợp, phương thức, thủ đoạn của tội phạm MT, kỹ năng cần thiết để mỗi người nâng cao khả năng phòng ngừa, tránh sa vào tệ nạn MT; xây dựng chương trình tuyên truyền chuyên biệt cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và động viên những mô hình, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống và kiểm soát MT.
Đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển MT từ bên ngoài và vào địa bàn tỉnh; tổ chức phát hiện và xóa bỏ triệt để những tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép MT. Tập trung chuyển hóa thành công các địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội, nhất là phức tạp về MT, quyết tâm không để phát sinh hoặc phức tạp trở lại. Kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây có chứa chất MT và xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Rà soát, thống kê chính xác, thường xuyên, lập danh sách cụ thể người nghiện và người sử dụng trái phép chất MT, tập trung nguồn lực cho công tác dự phòng, can thiệp sớm đối với người có hành vi sử dụng MT, lạm dụng MT nhằm ngăn chặn sự gia tăng người nghiện mới. Nâng cao hiệu quả việc tổ chức cai nghiện để kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn MT. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống MT về tổ chức, biên chế, trang thiết bị. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống MT.
* Ngày 10-6, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2057/KH-UBND về việc triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2020 nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhận thức của nhân dân về tệ nạn MT và công tác phòng, chống MT. Xuyên suốt trong tháng hành động và thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các hiện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các đường dây, tụ điểm MT phức tạp; làm tốt công tác cai nghiện.
* Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 370⁄KH- BGDĐT về triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát MT trong ngành Giáo dục. Mục đích của kế hoạch là nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của ngành Giáo dục các cấp với các ngành và các tổ chức chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, người học và gia đình người học từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn MT trong trường học. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống MT trong ngành Giáo dục, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.XB
Bình An