Lấy ý kiến về chương trình và đề cương biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ngày 16-6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương và một số chuyên gia để lấy ý kiến về chương trình và đề cương biên soạn tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Dựa trên các cơ sở về pháp lý, lý luận, thực tiễn và định hướng xây dựng chương trình GDĐP, Ban Biên soạn đã xây dựng khung chương trình và đề cương chi tiết tài liệu GDĐP từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với cấp tiểu học, nội dung chương trình từ lớp 1 đến lớp 3 được xây dựng dưới dạng 7 chủ đề gồm: Quê hương em; sản vật địa phương; nhân vật lịch sử, văn hóa; di tích lịch sử, văn hóa; nghệ thuật và làng nghề truyền thống; lễ hội truyền thống và văn hóa ứng xử trên cơ sở tích hợp vào hoạt động trải nghiệm và các môn học; lớp 4 đến lớp 5 triển khai theo các chủ đề và kết hợp với môn học tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật… của chương trình mới, nội dung GDĐP được lựa chọn và tổ chức thành các bài học, thời lượng 35 tiết/năm học/lớp; các bài học liên kết với nhau tạo ra sự tích hợp trong chương trình chiều ngang, đảm bảo mức độ yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh mỗi lớp theo quy định của chương trình tổng thể. Cấp THCS và THPT, thời lượng thực hiện chương trình GDĐP 35 tiết/năm học/lớp. Nội dung chương trình cấp THCS biên soạn theo chủ đề, cấp THPT biên soạn theo chuyên đề. Cả 2 cách biên soạn vẫn giữ được mạch nội dung và sự kết nối với môn học ở sách giáo khoa.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Sau khi nghe Ban Biên soạn trình bày khái quát chương trình và đề cương biên soạn tài liệu GDĐP, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết góp phần biên soạn bộ tài liệu khoa học, phù hợp như: Cần biên soạn nội dung chương trình và sử dụng ngôn ngữ phù hợp hơn với trình độ, lứa tuổi học sinh; lên danh mục tài liệu tham khảo; cân nhắc trong lựa chọn nhân vật lịch sử, tác phẩm nghệ thuật; thêm Di tích Đề-pô xe lửa Tháp Chàm vào mục Di tích lịch sử, văn hóa; lựa chọn, giới thiệu hài hòa nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của đại biểu tham dự. Đồng chí đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu các ý kiến của đại biểu; thận trọng, chặt chẽ, trách nhiệm nhằm biên soạn bộ tài liệu GDĐP khoa học, phù hợp, đúng quy định, thuận lợi cho cả người học và dạy. Đối với nội dung giáo dục, đồng chí đề nghị Ban Biên soạn không đưa vào sách những vấn đề nhạy cảm, chưa chính thống và tạo hiệu ứng không tốt; việc lựa chọn hình ảnh minh họa cần đảm bảo tính đặc trưng, hài hòa; đối với việc lựa chọn các nhân vật lịch sử cần tham khảo thêm các nguồn tài liệu chính thống (đặc biệt là Địa chí Ninh Thuận)… Chậm nhất ngày 20-6, Ban Biên soạn hoàn chỉnh chương trình và đề cương chi tiết tài liệu GDĐP trình UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.