Thực trạng dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản bị pháp luật nghiêm cấm chưa được ngăn chặn triệt để đang là nỗi lo chung. Hàng năm, cơ quan chức năng đều phát hiện các đường dây chuyển thuốc nổ từ đất liền đưa ra biển. Thuốc nổ được chia nhỏ, dấu trà trộn trong hàng hóa khác, chở bằng ô- tô, xe máy, mang đi tiêu thụ. Năm ngoái, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ một số đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng trăm kg thuốc nổ, tiến hành xử phạt, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hải (Ninh Hải) tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện nghiêm việc khai thác hải sản không dùng chất nổ. Ảnh: Văn Miên
5 tháng đầu năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng thực hiện 4 cuộc thanh tra trong lĩnh vực hoạt động khai thác hải sản và tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Ninh Thuận giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa. Qua đó, kiểm tra 125 lượt người và phương tiện hoạt động khai thác hải sản, phát hiện 10 trường hợp vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt tổng số tiền 15 triệu đồng, những vụ việc nghiêm trọng đề nghị khởi tố vụ án. Cụ thể, ngày 24-4, tại thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná (Thuận Nam) Đồn Biên phòng Phước Diêm bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển, mua bán vật nổ trái phép, tang vật thu giữ gồm 0,5 kg thuốc nổ, 0,6 kg chất bột màu vàng nghi là chất độc. Đồn Biên phòng Phước Diêm đã hoàn chỉnh hồ sơ điều tra ban đầu, ra quyết định khởi tố vụ án và bàn giao cho cơ quan anh ninh điều tra Công an tỉnh vào ngày 29-4 theo thẩm quyền.
Thực tế cho thấy, tình trạng dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản chủ yếu diễn ra ở vùng biển Cà Ná, nơi có nghề đánh bắt cá cơm phát triển. Đây là vùng biển được đánh giá có trữ lượng cá nổi phong phú, thường xuất hiện nhiều ở vụ cá Nam, nhưng nay đang dần cạn kiệt do nạn đánh bắt hủy diệt. Cần phải nói thêm rằng, xã Cà Ná có làng nghề chế biến nước nắm nổi tiếng, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhưng nay 265 cơ sở sản xuất ở địa phương đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là sản lượng đánh bắt cá cơm giảm hụt do ngư trường không thuận lợi.
Lực lượng Biên phòng Cà Ná (Thuận Nam) tuần tra, kiểm soát phương tiện ra vào khai thác hải sản.Ảnh: Văn Miên
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng khai thác hải sản trước đây đều tăng dần theo từng năm, nhưng hiện nay chưa có tín hiệu vui. Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 43,66 ngàn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái dễ thấy nguồn lợi hải sản đang cạn dần. Thời gian qua, ngành chức năng đã phối hợp với các xã ven biển tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích các chủ tàu công suất nhỏ chuyển đổi ngành nghề để hạn chế khai thác hủy diệt đạt được kết quả bước đầu. Tuy vậy, thực trạng một số đối tượng vì lợi ích trước mắt đã sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản đang thách thức dư luận. Vấn đề được Nhân dân xã Cà Ná phản ánh lên HĐND các cấp tại những đợt tiếp xúc củ tri đề nghị ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng, nhưng đang gặp khó.
Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho hay: Việc truy nguồn gốc “đường đi” của thuốc nổ từ nơi cung cấp, đến người vận chuyển hoàn toàn có thể triệt phá được vì chủ yếu diễn ra trên bờ, còn bắt người sử dụng (ngư dân) ngoài biển là rất khó. Đã không ít lần đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức truy bắt trên biển, nhưng tàu kiểm ngư công suất nhỏ không đuổi kịp tàu khai thác bất hợp pháp. Đây là lý do để Chi cục Thủy sản tỉnh đề xuất trang bị phương tiện (tàu) hiện đại phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát đánh bắt trên biển.
Đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ và hình thức khai thác hủy diệt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản còn là lý do khiến châu Âu rút “thẻ vàng” với hải sản nước ta, không thể không khắc phục. Với quyết tâm đó, thời gian tới Chi cục Thủy sản tỉnh và chính quyền các địa phương ven biển tăng cường hơn nữa công tác phối hợp chặt chẽ trong các đợt cao điểm về tuần tra trên biển, truy quét, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định hiện hành các trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác hải sản.
Anh Tùng