Tọa đàm khoa học 'Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên'

Ngày 12/6, Bộ Nội vụ tổ chức Tọa đàm khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn mới trong 17 năm qua (tính từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư); Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đã đạt được nhiều kết quả tích cực và rất quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, còn hình thức và mờ nhạt.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, nhiều người nói gương mẫu là một mệnh lệnh không lời, nhưng thực ra đó là tính tự giác, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bất cứ đơn vị nào thì người đứng đầu giữ vai trò rất quan trọng, cán bộ nào thì phong trào đấy.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Bác Hồ bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường.

Về sức mạnh nêu gương, Bác đã nói, "nhìn chung các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị cao hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Do vậy, khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng ra sức tự hoàn thiện để trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn. Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang đến gần, Người kêu gọi “lúc chúng ta mang bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng, vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân” và nâng lên thành triết lý hành động cách mạng vì dân, vì nước trong mỗi con người.

Người cũng thường xuyên nêu cao vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, xây phải đi đôi với chống. Người chỉ rõ, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh chính, đẻ ra trăm thứ bệnh và thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và sự tồn vong của chế độ. “Có những lãnh đạo nói với tôi là trước khi cầm bút ký không biết mình có được cái gì không, như vậy không bao giờ giải quyết được công việc. Khi giải quyết công việc mà cứ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì một là dễ dẫn đến vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu, hai là tham nhũng, công việc trì trệ”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Ông cho rằng Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các sai phạm chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhấn mạnh đánh giá trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: "nói và làm không đi đôi với nhau, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ", Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra rằng khi làm lúc nào cũng muốn có lý, có tình, nặng về tình rồi cuối cùng không dám xử lý ai, dẫn đến câu chuyện "mất nghiêm".

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nỗ lực phấn đấu làm theo Người, dù chỉ một chút nhỏ đã rất cao quý. Nêu gương trong tư tưởng, đạo đức, phong cách, Người rất chú trọng đến vấn đề mục đích và động cơ, tức là lẽ sống, mà Người là một minh chứng thực hành rõ nhất bởi suốt cuộc đời của Người chỉ vì dân, vì nước. Muốn nêu gương được thì trước hết chủ thể nêu gương phải xuất phát từ động cơ, mục đích trong sáng và cao cả.

Với tư cách là một nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh có rất nhiều luận đề xung quanh vấn đề đạo đức cách mạng, phong cách lãnh đạo và gương mẫu của Đảng ta, và cũng là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác có những lời nói rất giản dị nhưng càng ngẫm, càng sâu "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" , tức là nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, lấy tấm gương sống của cuộc đời để minh chứng.

Người khẳng định, gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Người kết hợp cả lãnh đạo bằng khoa học, tức là trí tuệ, lãnh đạo bằng đạo đức, tức là gương mẫu và lãnh đạo bằng chính hành động nêu gương. Hồ Chí Minh nêu gương không chỉ vì mục đích, động cơ, lẽ sống, mà Người nêu gương bởi chính sức mạnh tôn trọng nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, biểu hiện cụ thể đó là việc dùng người, không ai có biệt tài dùng người như Hồ Chí Minh.

Nhấn mạnh chủ đề của Tọa đàm rất có ý nghĩa, nhất là hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, song chúng ta đang đối mặt với một thực tế rất khó khăn là hàng trăm cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, ba thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đều có Bí thư bị kỷ luật, thậm chí mắc các lỗi lầm nghiêm trọng, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định, chúng ta vừa học Bác về việc nêu gương theo chiều hướng tích cực, nhưng đồng thời cũng đang đối mặt với những việc phản tích cực, những tiêu cực, những điều mất lòng dân nhất hiện nay.

Từ đó, ông cho rằng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ càng có trọng trách, càng phải chú trọng học dân. Học hỏi dân, biết làm học trò của dân thì mới là người thầy lãnh đạo nhân dân được, lãnh đạo để làm đầy tớ công bộc của dân là vấn đề rất thấm thía. “Tất cả sự nêu gương phải có thước đo, thước đo đó là phải lấy sự hài lòng của người dân, là thước đo về hiệu lực lãnh đạo, quản lý, thước đo về sự nêu gương đạo đức và trí tuệ, nói như Tổng Bí thư là niềm tin của dân, lòng tin của dân với chế độ, với Đảng là giá trị tài sản văn hóa phải gìn giữ, không để đánh mất. Mất dân là mất hết, có dân là có tất, đó là quy luật muôn đời. Cho nên nêu gương, noi gương, làm gương xét đến cùng không phải chỉ vì sự tu dưỡng tâm lý của mỗi người mà xuất phát từ trách nhiệm cao cả trước nhân dân, trước xã hội, trước đồng bào, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thí dụ rõ nhất để chúng ta học tập”, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nêu rõ.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, chỉ ra thực tế là chúng ta quá kỳ vọng vào sự liêm khiết, liêm chính, mà quên mất một khía cạnh rất quan trọng trong nền công vụ, đó là kiểm soát quyền lực. Nước ta quá thiên về đức trị, còn pháp trị mới chỉ hô hào, không đi vào thực chất. Vì pháp trị muốn có được thì phải có nhiều điều kiện thiết chế, chính vì vậy, muốn nêu gương phải có điều kiện, cơ chế và nền tảng dân chủ để nêu gương. Nói là nêu gương nhưng nền tảng cần và đủ cho việc nêu gương đó lại không được nghiên cứu, không kê khai những điều kiện cho việc nêu gương thì không bao giờ việc này đi vào cuộc sống.

Theo TTXVN/Báo Tin tức