Trung tâm Công tác xã hội hiện đang nuôi dưỡng 44 em nhỏ không nơi nương tựa, trong đó có 6 em đang là sinh viên của các trường đại học. Mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều khao khát có “mái ấm” thực sự. Thấu hiểu tâm lý của các em mồ côi, các chú, các cô ở Trung tâm luôn tận tình chăm sóc, dạy dỗ, bù đắp thiệt thòi cho các em. Với phương châm “lắng nghe và thấu hiểu”, “đối tượng khó chịu, nhân viên chịu khó”, ngay sau khi tiếp nhận các trường hợp, cán bộ trung tâm đã tập trung theo dõi về sinh hoạt, tâm sinh lý, sức khỏe... để có các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp. Có những trường hợp trẻ bị bỏ rơi mới vài ngày tuổi, cán bộ trung tâm trở thành những người cha, người mẹ, quan tâm, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi lần tiếp nhận trẻ ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhìn những gương mặt hãy còn đỏ hỏn, các “mẹ” đều thấy nghẹn lòng, tự nhủ với lòng mình cố gắng làm tất cả những gì có thể để bù đắp một phần thiệt thòi cho các con. Từ chỗ chăm bẵm vì thương cảm đến khi thấy đứa bé lớn lên từng ngày, bập bẹ gọi tiếng “mẹ”, là một lần cảm xúc dâng tràn. Trong câu chuyện kể về những đứa trẻ đã khôn lớn trưởng thành, chị Lê Thị Bình Minh không giấu được ánh mắt tự hào, vui sướng: Trong số hàng trăm đứa con tôi trực tiếp chăm sóc suốt 18 năm qua có nhiều em giờ đã có công việc ổn định, được các cha mẹ nuôi chăm sóc chu đáo. Đơn cử như em Nguyễn Thị Hồng, thôn Mỹ Tường, xã Thanh Hải (Ninh Hải) tốt nghiệp Đại học ngành Công tác xã hội nay đã có công việc ổn định. Hay bé Nguyễn Thanh Toàn bị mẹ bỏ rơi do tật nguyền bẩm sinh nay đã được gia đình nước ngoài nhận nuôi và đang được chữa trị đôi chân…Mỗi lần được nghe, được nhìn ảnh các em ở xa gửi về tôi cùng các chị ở đây đều phấn khởi, hạnh phúc.
Chị Phạm Thị Bình Minh chăm lo bữa ăn cho trẻ.
Không chỉ là mái ấm tình thương, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh còn được đầu tư xây dựng khang trang với phòng vi tính với 12 máy, phòng học, khu sân chơi… giúp trẻ phát triển đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ. Để tăng cường kết nối giữa các thành viên trong mái nhà chung, Trung tâm thường xuyên phối hợp, vận động những tấm lòng nhân ái, các tổ chức thiện nguyện, các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình hoạt động, nâng cao đời sống tinh thần cho các em. Nhân tháng Hành động vì trẻ em, Trung tâm đã kêu gọi các mạnh thường quân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: cho các em tham gia tiết mục văn nghệ giao lưu với các trường; tặng quà, trò chơi,…qua đó giúp các em tự tin, cởi mở hơn trong giao tiếp.
Ông Trần Đức Long, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Nhìn các em khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, mỗi thành viên trong Trung tâm không giấu được niềm tự hào, nguyện cùng nhau nỗ lực không nề hà khó khăn, gần gũi, yêu thương, chia sẻ xây dựng niềm tin giúp các em cảm nhận được giá trị của cuộc sống từng bước vươn lên và trưởng thành hơn.
Chia tay các “mẹ” các em ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, đâu đó vẫn còn vọng lại tiếng cười đùa thích thú của nhóm trẻ khi cùng nhau chơi món đồ chơi mới. Ánh mắt ngây thơ hồn nhiên của các em như xoa dịu nắng gay gắt đầu hè. Ít ai biết giữa lòng thành phố ồn ào náo nhiệt lại có “mái nhà chung” được thắp lên bởi sự cảm thông của những người đồng cảnh ngộ, tình yêu thương của những người làm công tác xã hội.
Duy Nam