Theo báo cáo của Sở GD&ĐT-Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT tỉnh Ninh Thuận (BCĐ), cho biết: Triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT, ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 68-CT/TU ngày 13-2-2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh; tham mưu Trưởng BCĐ ban hành thông báo về việc phân công thành viên BCĐ phụ trách theo dõi các địa bàn huyện, thành phố. Cùng với đó, Sở phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức 2 đợt bồi dưỡng, tập huấn cho toàn bộ giáo viên (GV) cốt cán các cấp; ban hành công văn về kế hoạch bồi dưỡng CBGV các cơ sở GDPT thực hiện chương trình GDPT. Công tác lựa chọn SGK lớp 1; khảo sát, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), nhu cầu đội ngũ GV, sách-thiết bị cho năm học 2020-2021 đến nay cũng được Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thành, tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Các em học sinh chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: Văn Miên
Theo dự kiến của ngành GD&ĐT, năm học 2020-2021, số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là 12.751 học sinh/472 lớp; trong đó có 12.651 học sinh/468 lớp học tại các trường công lập. Trước mắt, năm 2020-2021 bố trí 468 phòng cho lớp 1, còn lại (1.403 phòng/1.728 lớp) bố trí cho lớp 2 đến lớp 5. Nhìn chung, hầu hết các địa phương có thể đủ phòng học cho năm học 2020-2021, nhưng có nhiều trường phải học 2 ca, số trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày sẽ giảm. Vì vậy vẫn phải được đầu tư sớm mới tổ chức học 2 buổi/ngày được. Đối với đội ngũ GV, dự kiến năm học 2020-2021 bố trí cho lớp 1 là 737 GV/468 lớp (1,5 GV/lớp); lớp 2 đến lớp 5 bố trí 2.195 GV/1.702 lớp vẫn đảm bảo 1,2 GV/lớp. Trên lý thuyết như vậy là ổn, song cấp tiểu học có nhiều điểm lẻ, trường ít lớp nên việc bố trí GV rất khó (nhất là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, tiếng Anh). Để đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp đối với lớp 1 và các lớp còn lại 1,2 GV/lớp, năm học 2020-2021 cấp tiểu học cần bổ sung thêm 75 GV và ngành GD&ĐT cũng sẽ cân đối để đảm bảo số GV dạy lớp 1.
Tại cuộc họp mới đây của BCĐ, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tham mưu UBND tỉnh ký ban hành kế hoạch triển khai tập huấn bồi dưỡng GV, CSVC, sách-thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình GDPT lớp 1 năm học 2020-2021; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho CBGV, nhân viên thư viện-thiết bị về đổi mới chương trình, SGK GDPT hiệu quả; làm đầu mối tổng hợp nhu cầu và chịu trách nhiệm mua sắm trang thiết bị giáo dục phục vụ đổi mới chương trình, SGK lớp 1 năm học 2020-2021 theo định hướng ưu tiên mua sắm thiết bị có tính cấp bách, cần thiết trước và tuân thủ đúng trình tự thủ tục quy định pháp luật; chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan rà soát, tham mưu xây dựng phương án đầu tư CSVC phục vụ đổi mới chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh...
Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở liên quan xem xét, thẩm định phương án đầu tư CSVC phục vụ đổi mới chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, báo cáo, trình UBND tỉnh trước ngày 15-7-2020. Sở Tài chính theo dõi, kiểm tra việc mua sắm, cấp phát và quản lý trang thiết bị giáo dục phục vụ cho đổi mới chương trình, SGK lớp 1 năm học 2020-2021 theo đúng quy định. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét cân đối, bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành Giáo dục; đồng thời, làm việc với Bộ Nội vụ xem xét cấp bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh theo đề nghị. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông tăng cường truyền thông về kế hoạch đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận của xã hội. UBND các huyện, thành phố trên cơ sở nội dung rà soát và xác lập danh mục, số lượng các công trình cần triển khai đầu tư để phục vụ đổi mới chương trình GDPT năm học 2020-2021 theo báo cáo của Sở GD&ĐT, chủ động xây dựng kế hoạch và cân đối kinh phí của địa phương để phân bổ nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện các công trình, đảm bảo kịp thời phục vụ năm học 2020-2021; đối với việc đầu tư CSVC trong giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở nội dung tổng hợp, đề xuất của Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát tổng nhu cầu đầu tư trên địa bàn của từng địa phương gắn với các phương án sắp xếp, xử lý các phòng học đảm bảo hiệu quả, thực chất; gửi về Sở GD&ĐT để tổng hợp, xây dựng danh mục công trình đầu tư cho phù hợp…
Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành GD&ĐT và các sở, ngành, địa phương công tác triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra đồng bộ, hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục.
Lâm Anh