8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá
Theo WHO, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá và hơn 1 triệu người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Ước tính đến năm 2030, số người tử vong hàng năm do các bệnh liên quan với thuốc lá sẽ tăng lên 10 triệu người, nhiều hơn cả các trường hợp tử vong do nhiễm HIV, bệnh lao, tai nạn giao thông, tự tử và giết người cộng lại.
Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có tới 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc; khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.
Có thể nói, hút thuốc lá là mối đe dọa đối với bất kỳ người nào, bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, trình độ văn hoá hay trình độ học vấn. Hút thuốc lá mang lại đau khổ, bệnh tật và tử vong, làm gia đình bần cùng và nền kinh tế quốc gia suy yếu. Không có loại thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe của con người. Hút một điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Do đó, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm.
Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lan truyền COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả COVID-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID-19.
WHO cũng lưu ý hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.
68 ca tử vong liên quan đến thuốc lá thế hệ mới
Hiện nay, trên thị trường, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên thế giới đã sản xuất thêm nhiều loại thuốc lá thế hệ mới, như: thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Cả hai loại sản phẩm này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.
Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, chất nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ, gây ra sinh non và thai chết lưu. Đối với thanh thiếu niên, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh của não bộ khiến người dùng trẻ tuổi dễ bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, nhưng lại hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Đặc biệt, thuốc lá điện tử còn sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường. Việc nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau có thể bị lợi dụng để cho thêm ma túy.
Theo thống kê ngày 18-2-2020 của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ đã ghi nhận 2.807 ca tổn thương phổi có liên quan quan đến thuốc lá thế hệ mới. Trong đó 68 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới vẫn được nhiều người vô tư sử dụng mà không biết hoặc cố tình bỏ qua những nguy hại của sản phẩm này với sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Nếu như trước kia, người sử dụng thuốc lá truyền thống còn e dè, tránh cho người thân không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói thuốc thụ động thì ngày nay, do tin vào lời quảng cáo rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại, họ vô tư hút trong phòng kín, mà không lo ảnh hưởng đến người xung quanh.
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ngày càng trở nên phổ biến. Một nghiên cứu trên thanh thiếu niên tại các thị trấn và thành phố của 13 quốc gia Đông Âu cho thấy, 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút ENDs ít nhất 3 lần. Trong khi đó, Hàn Quốc báo cáo rằng, 9,5% thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng đã sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên (nhiều hơn 10 lần mỗi tháng), trong đó 3,3% sử dụng mỗi ngày… Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.
Chung tay bảo vệ thế hệ trẻ
Trước những hiểm họa khôn lường trên, nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe khi sử dụng thuốc lá, WHO đã đưa ra chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 là “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”. Chiến dịch toàn cầu nhân Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm trang bị các thông tin giúp thanh, thiếu niên nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như bản chất các chiến thuật quảng cáo thuốc lá nhằm lôi kéo các thế hệ hiện tại và tương lai nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá.
Việt Nam đã hưởng ứng và tham gia Ngày thế giới không thuốc lá năm 2020 với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Các cơ quan truyền thông trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá và các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phát động “Cuộc thi tìm hiểu quy định của pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hạn chế sử dụng hình ảnh thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh”…
Các địa phương lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn. Nhiều địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn nổi tiếng cũng đã cấm hút thuốc nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và du khách. Tại Hà Nội, từ tháng 10-2019, 30 trong tổng số 190 điểm du lịch nổi tiếng đã triển khai mô hình điểm du lịch không khói thuốc và nếu người dân hay du khách vi phạm sẽ bị phạt tiền…
Có thể nói, không thuốc lá là một cuộc chiến quyết liệt và bền bỉ, đòi hỏi sự quyết tâm và trách nhiệm của lực lượng chức năng, cùng với ý thức tự giác của mỗi người dân, gia đình và cộng đồng, để cùng chung tay xây dựng ngôi nhà chung không khói thuốc.
Theo TTXVN