Tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng
Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Theo đó, đa số ý kiến cho rằng dự án Luật chưa thể chế được quan điểm, đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa được nội dung và tinh thần của Hiến pháp; chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Một số ý kiến cho rằng Luật Thanh niên (sửa đổi) là luật về đối tượng nên các quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong dự án Luật trùng lặp; dự án Luật nên được xây dựng theo hướng là luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.
Dự án Luật trình tại Kỳ họp này gồm 7 chương, 41 điều, giảm 21 điều so với dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý cơ bản dự án Luật theo hướng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành một điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên.
Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự án Luật bổ sung một chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự án Luật cũng quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Với cách tiếp cận này, dự án đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự án Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Dự thảo Luật thiết kế một chương quy định về quản lý nhà nước nhằm mục đích giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ,các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai các chính sách đối với thanh niên được quy định trong Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định tại Điều 1 dự án Luật, quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, độ tuổi quy định này phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn, với Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; không ảnh hưởng đến công tác cán bộ Đoàn vì Điều lệ Đoàn quy định đoàn viên trên 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì vẫn tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn. Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn về độ tuổi của cán bộ Đoàn được thực hiện theo Quy chế Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực, chỉ dành một điều quy định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Thay bằng việc quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể, Dự án quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm. Việc thiết kế các quy định theo định hướng như trên vừa tránh được sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật khác vừa bảo đảm tính khả thi của điều Luật; thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên.
Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, dự án Luật không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành; dành hẳn một chương gồm 11 điều với nội dung quy định về các chính sách chung của Nhà nước trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, dự án Luật quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù gồm chính sách dành cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các chính sách này được thiết kế theo hướng: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên này tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước. Mặt khác, dự án Luật cũng quy định các chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, bảo đảm và bảo vệ của Nhà nước đối với các nhóm thanh niên đặc thù này.
Cần thiết có quy định riêng về Tháng Thanh niên
Đánh giá dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này có chất lượng tốt hơn so với dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) khẳng định, thay cho việc quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể, dự án đã quy định rõ trách nhiệm của thanh niên, trách nhiệm của các chủ thể liên quan, từ đó góp phần khẳng định được vị thế của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện các trách nhiệm của mình.
Về quy định đối với Tháng Thanh niên tại Điều 9, theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, việc dành riêng một điều về tháng cao điểm hành động cho đối tượng hùng hậu như thanh niên là cần thiết. Theo đại biểu, từ những kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua cho thấy, sẽ không thể tránh được có những thời điểm nhiều hoạt động trên phạm vi toàn quốc không thể diễn ra theo đúng kế hoạch và lộ trình. Cụ thể như trong tháng 3 vừa qua, việc tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên ở nhiều nơi không thực hiện được.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị bổ sung vào Điều 9 ba nội dung: Quy định hoạt động của thanh niên trong tháng 3 - tháng cao điểm là bắt buộc, nhằm làm căn cứ tổ chức thực hiện, tránh sự bị động, không rõ hoặc hiểu hoạt động của Tháng Thanh niên là không cần thiết, ảnh hưởng đến việc huy động, đầu tư, phát triển cho thanh niên; bổ sung quy định về điều kiện thời gian, cách thức tổ chức bù các hoạt động của Tháng Thanh niên khi không thể tiến hành đúng theo kế hoạch, hoặc tiến hành không đồng loạt, nhằm đảm bảo được sự thống nhất trên phạm vi cả nước; quy định trách nhiệm bắt buộc của chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc tạo điều kiện hỗ trợ tiến hành các hoạt động bù vào Tháng Thanh niên, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của thanh niên.
Quy định tại Điều 9 dự án Luật nêu rõ: “Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên”. Cùng tham gia ý kiến về vấn đề này, song đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) lại bày tỏ sự băn khoăn về sự cần thiết có quy định riêng về Tháng Thanh niên, bởi theo đại biểu, đây là quyền lợi, trách nhiệm thường xuyên của thanh niên. “Báo cáo đánh giá tác động tôi cũng xem rất kỹ, liệu trong Tháng Thanh niên này chi phí phát sinh như thế nào? Vì công việc hằng ngày vẫn đang làm như vậy, có nên quy định riêng về Tháng Thanh niên này không?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Tham gia tranh luận về nội dung nói trên, đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) bày tỏ sự đồng tình cao với quy định của dự án Luật về Tháng Thanh niên. Theo đại biểu Phong, quy định đã phản ánh rõ hai mục tiêu cụ thể của Tháng Thanh niên: Là tháng để phát huy thanh niên, thể hiện sức trẻ, tinh thần tình nguyện của thanh niên với những công việc chung của xã hội, của đất nước; đồng thời là tháng để xã hội quan tâm hơn, chăm lo hơn đến thanh niên.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc phong phát biểu. Ảnh: Dương Giang /TTXVN
Đại biểu Phong cho rằng trên nền tảng chăm lo đó, thanh niên sẽ hiểu trách nhiệm của mình trong việc tham gia đóng góp cho đất nước. “Tôi nghĩ quy định như dự án Luật hiện nay là phù hợp và tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai Tháng Thanh niên, thực hiện được yêu cầu phù hợp trong triển khai tháng cao điểm để thanh niên phát huy được tinh thần, sức trẻ của mình”, đại biểu nhấn mạnh.
Thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), đa số đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đề cập về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, các đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng), Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) cho rằng đây là chính sách chung mang tính định hướng về những lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên và những đối tượng thanh niên đặc thù, nhằm tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành. Đây được xem là luật gốc đối với các vấn đề về thanh niên. Các luật chuyên ngành quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên buộc phải tuân theo các nguyên tắc quy định trong Luật này. Tuy nhiên, các chính sách của nhà nước đối với thanh niên cần được bổ sung để tương thích với Bộ chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN để có sự tương đồng về chiến lược phát triển thanh niên với các nước thành viên.
Theo TTXVN/Báo Tin tức