Đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề,... là các lĩnh vực Chính phủ khuyến khích thực hiện
Nghị định 24/2011/NĐ-C quy định rõ, ngoài những nội dung được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án BOT và Dự án BTO phải bao gồm 5 nội dung sau:
1- Phân tích sự cần thiết và những lợi thế của việc thực hiện Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO so với các hình thức đầu tư khác;
2- Xác định hàng hóa, dịch vụ và giá, phí dự kiến thu từ việc Công trình dự án;
3- Xác định thời gian xây dựng, khai thác và phương thức tổ chức quản lý, kinh doanh Công trình dự án;
4- Xác định các điều kiện, phương thức chuyển giao và tiếp nhận Công trình dự án phù hợp với quy định tại Chương VI Nghị định số 108/2009/NĐ-CP;
5- Đề xuất áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bảo lãnh của Chính phủ (nếu có) phù hợp với quy định tại Chương VII Nghị định 108/'2009/NĐ-CP.
Sửa đổi quy định về lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi
Theo Nghị định 24/2011/NĐ-CP, về thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cũng giống như quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP trước đây là "Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thuộc các nhóm A, B, C", tuy nhiên, Nghị định 24/2011/NĐ-CP có bổ sung thêm quy định là trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định, các Bộ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bảo lãnh Chính phủ đối với Dự án hoặc sử dụng ngân sách trung ương để hỗ trợ thực hiện Dự án.
7 lĩnh vực đầu tư được khuyến khích thực hiện
Theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, có 6 lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích thực hiện các Dự án xây dựng và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc Dự án cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành, quản lý các công trình hiện có.Tuy nhiên, tại Nghị định 24/2011/NĐ-CP sửa đổi quy định cũ, số lĩnh vực thuộc diện như nêu trên gồm có 7, trong đó bao gồm 6 lĩnh vực như theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP, 1 lĩnh vực được bổ sung mới là "các công tình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao và trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước".
1. Hợp đồng BOT là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, Nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
2. Hợp đồng BTO là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho Nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
3. Hợp đồng BT là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho Nhà đầu tư theo thoả thuận trong Hợp đồng BT.
Nguồn www.chinhphu.vn