Thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ, chuẩn hóa các chức danh cán bộ, công chức, từ năm 2013 đến nay tỉnh đã cử nhiều lượt cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia học tập các lớp về chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nhờ đó, trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp được nâng cao. Tính đến đầu năm 2019 toàn tỉnh có 25 cán bộ trình độ thạc sỹ, 2.210 cán bộ trình độ đại học, 53 cán bộ trình độ cao đẳng, 229 cán bộ trình độ trung cấp là người đồng bào dân tộc thiểu số. Về trình độ lý luận chính trị, hệ cao cấp có 71 người, hệ trung cấp có 475 người, hệ sơ cấp có 1.071 người.
Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng, bố trí cán người dân tộc thiểu số cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.106 cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số là đảng viên, 1 cán bộ là đại biểu Quốc hội. Cán bộ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 là 675 người, chiếm tỷ lệ 35,2% tổng số đại biểu HĐND các cấp trên toàn tỉnh. Cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 151 người, chiếm tỷ lệ 16,8 %. Đặc biệt, từ thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về công tác tại các xã thuộc 62 huyện nghèo trên toàn quốc theo Quyết định 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, tỉnh đã tuyển chọn 18 trí thức trẻ tăng cường cho các xã thuộc huyện Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Phước; trong đó, có 8 trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số.
Chị Thiên Thị Thùy Trang, Nhân viên của Trung tâm y tế Thuận Nam kiểm tra sức khỏe ban đầu cho đồng bào Chăm. Ảnh: Văn Nỷ
Kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đào tạo thêm 153 cán bộ người dân tộc thiểu số trình độ đại học; 61 cán bộ trình độ thạc sỹ. Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh chỉ đạo tiếp tục chú trọng công tác tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số kế cận, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, kết hợp hài hòa giữa các độ tuổi. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn mang tính đặc thù, phù hợp với cán bộ người dân tộc thiểu số, tập trung vào các kỹ năng xử lý tình huống, như: Kỹ năng điều hành hội họp, kỹ năng soạn thảo xây dựng văn bản, kỹ năng xử lý tình huống thực tế. Tạo điều kiện để mỗi cán bộ người dân tộc thiểu số phát huy năng lực, sở trường của mình, mạnh dạn giao việc, giao nhiệm vụ để có điều kiện tôi luyện, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực tiễn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, sáng tạo, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phát triển một cách đồng bộ, vững chắc. Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, tin tưởng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả.
Anh Tùng