Với mục tiêu không để các loại thực phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người dân, thời gian qua, Ban Chỉ đạo VSATTP đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP vào các đợt cao điểm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Chi cục VSATTP tỉnh đã phân phối cho người dân, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm gần 2.000 tài liệu truyền thông về VSATTP như: tờ gấp phòng chống ngộ độc thực phẩm, tạp chí Thực phẩm và đời sống, đĩa CD, VCD cổ động bảo đảm VSATTP; tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức VSATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cho 58 đối tượng tham gia.
Quán ăn vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: Phan Bình
Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành chức năng kiểm tra 494 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Kết quả thanh tra cho thấy, hầu hết người trực tiếp sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm đều có trang phục chuyên dụng, giấy chứng nhận tập huấn về VSATTP, được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Trang bị dụng cụ chế biến, sản xuất thực phẩm bảo đảm vệ sinh; các nhà hàng, khách sạn có lưu mẫu thực phẩm…Người tiêu dùng cũng ngày càng ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn bằng việc chọn nơi bán hàng tin cậy, những thực phẩm có đóng gói, ghi rõ nơi xuất xứ hàng hóa. Chị Trần Thị Phương Hoa, một người dân ở phường Phước Mỹ (PR-TC) cho biết: Các mặt hàng thực phẩm trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng, đồng thời có những mặt hàng rất khó phân biệt loại nào chất lượng, loại nào kém. Vì vậy, mỗi khi chọn mua một sản phẩm tôi đều rất cẩn thận, cân nhắc, chú ý đến nhãn mác, xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng ghi trên bao bì. Đặc biệt đối với các thực phẩm quan trọng như sữa cho con hay dầu ăn…tôi chỉ chọn mua ở Siêu thị hoặc cửa hàng quen, có uy tín để bảo đảm chất lượng sản phẩm và sức khỏe của gia đình”.
Tuy nhiên, trong số cơ sở, đơn vị được kiểm tra, còn có 117 cơ sở vi phạm VSATTP. Nội dung vi phạm chủ yếu là khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, việc khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức VSATTP chưa đầy đủ, nhãn mác ghi trên bao bì sản phẩm không đúng với hồ sơ công bố... Đặc biệt, hầu hết các cơ sở sản xuất rựơu thủ công ở các tuyến huyện chưa có giấy phép sản xuất, môi trường sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Các lò giết mổ gia súc nằm trong khu vực dân cư, điều kiện vệ sinh không bảo đảm, không có giấy phép giết mổ, nhân viên không được khám sức khỏe định kỳ theo quy định…Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân quan trọng chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác VSATTP chưa chặt chẽ.
Đặc biệt, việc kiểm tra những cơ sở chế biến, những hàng quán vỉa hè chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chủ cơ sở chế biến do thiếu ý thức còn sử dụng thực phẩm kém chất lượng…mà không quan tâm đến tác hại ảnh hưởng sức khỏe con người.
Đ/c Mai Thị Phương Ngọc, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục VSATTP cho biết: Nhằm siết chặt hơn công tác quản lý về công tác VSATTP, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát VSATTP trong các thời gian cao điểm như vào các dịp lễ, tết… đơn vị còn xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra hậu kiểm hàng tháng, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cùng với ngành chức năng có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa đối với những trường hợp vi phạm để người dân, các cơ sở chế biến thực phẩm có ý thức hơn trong việc thực hiện VSATTP.
Uyên Thu