Ông Nguyễn Thế Chính, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đến nay Tp. Phan Rang-Tháp Chàm hoàn thành việc chi trả cho 16.754 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng, với tổng số tiền hỗ trợ trên 17,3 tỷ đồng. Các nhóm đối tượng còn lại theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục được UBND các xã, phường rà soát, cập nhật, tổng hợp, lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt và được cam kết sẽ tiếp tục được cấp phát đến tay người lao động chậm nhất là ngày 20-5. Để việc hỗ trợ bảo đảm tiến độ, công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thông báo công khai đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hướng dẫn quy trình, thủ tục làm hồ sơ để người dân được nắm rõ.
Cán bộ phường Thanh Sơn chi trả tiền hỗ trợ cho hộ nghèo.
Ông Trần Kim Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn, cho biết: “Sau khi có công văn hướng dẫn của tỉnh và thành phố, phường thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ các thành viên; tổ chức rà soát danh sách các đối tượng xác nhận các điều kiện thuộc diện hỗ trợ, tránh trùng lặp, bảo đảm nguyên tắc mỗi người chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất và hỗ trợ đúng đối tượng. Đến nay, phường đã hoàn thành chi trả cho 4 nhóm đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và người có công, với số tiền trên 539 triệu đồng. Ban chỉ đạo đang tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ sở để xác minh, rà soát các đối tượng là lao động tự do mất việc làm để kịp thời hỗ trợ. Theo thống kê sơ bộ toàn phường có khoảng hơn 1.118 lao động tự do và kinh doanh không ổn định, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Để việc rà soát các đối tượng được khách quan chính xác, sau khi cơ sở đưa danh sách lên, Ban chỉ đạo sẽ trực tiếp xuống xác minh đồng thời công khai danh sách ở các trụ sở UBND phường để người dân đối chiếu.
Mặc dù phải tạm đóng cửa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chị Kim Phương, chủ tiệm Spa, phường Thanh Sơn cũng phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân công nên gặp không ít khó khăn, chị chia sẻ: Thông qua hệ thống loa phát thanh, tôi được biết đến gói hỗ trợ an sinh xã hội. Bản thân tôi rất phấn khởi và mong muốn chính quyền các cấp sớm xác minh, chốt danh sách được hỗ trợ.
Qua ghi nhận thực tế ở các địa phương trên địa bàn thành phố, khó khăn trong công tác rà soát là đối tượng lao động tự do không ký hợp đồng lao động, trong đó có nhóm lao động đặc thù chưa được quy định cụ thể. Các cơ sở còn lúng túng trong xác định đối tượng cần hướng dẫn thêm nghiệp vụ rà soát, xác định đối tượng, điều kiện thụ hưởng, quy trình thực hiện, nguồn vốn thực hiện…Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ này, khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Song với tinh thần “cứu trợ như cứu hỏa” các địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang nỗ lực triển khai nghiêm túc, khẩn trương, công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng. Để thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ một cách công khai, minh bạch, chính xác, đúng trình tự, thủ tục, tránh sai sót, các địa phương thiết lập đường dây nóng tại các sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đồng thời triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình chi trả.
Mỹ Dung