Đêm 16-3, bệnh nhân số 61, tiếp theo là bệnh nhân số 67 dương tính với COVID-19, đi Malaysia về, thông tin nhanh chóng được lan truyền đến mọi người trong thôn. Ngày hôm sau cả thôn như náo động khi nghe quyết định cách ly y tế ít nhất 28 ngày của Chủ tịch UBND tỉnh được ban hành và thực hiện ngay trong đêm 17-3, gần một trăm người bao gồm già trẻ, gái trai được đưa đi cách ly tập trung trên tỉnh, thì không chỉ thôn Văn Lâm 3, mà cả 3 thôn còn lại cùng lặng đi. Rồi 1 ngày, 2 ngày... hôm nay nữa là đúng nửa thời gian thực hiện cách ly. Đi quanh các thôn Văn Lâm không một bóng con nít ngoài đường, người lớn có công việc gì mới ra khỏi nhà, họ đi thật hối hả, khó khăn lắm mới có thể nhận ra nhau vì ai cũng khẩu trang kín mặt.
Những ngày đầu trong cách ly, cái khó khăn nhất là xã thiếu mọi thứ, nhất là trang thiết bị y tế bảo vệ cho người dân, như khẩu trang, cồn xịt khuẩn... Tổ chức cách ly hơn 5.200 người là việc làm chưa từng có ở địa phương, chính quyền dù đã có kế hoạch từ trước, nhưng vẫn bất ngờ, rồi chưa có kinh nghiệm, nhân lực và vật lực. Chính quyền, đoàn thể các cấp kêu gọi, các tổ chức, cá nhân cùng kêu gọi... cả nước, cả tỉnh cùng hướng về Văn Lâm 3.
Thực phẩm được chuyển đến để hỗ trợ cho người dân thôn Văn Lâm 3 (Xã Phước Nam) do Tập đoàn Trung Nam Group trao tặng 1 tỷ đồng. Ảnh: Văn Nỷ
…Anh Bá Văn Tính, một người kinh doanh nhỏ trong làng, ngay ngày đầu tiên, đã vận động quyên góp khẩu trang tặng người dân, rồi hô hào anh em xin với chính quyền, thành lập nhóm tình nguyện với 22 thành viên đến bốc xếp, đóng gói hàng cứu trợ và huy động 2 xe tải nhỏ, hàng ngày chuyển vào đến từng gia đình trong khu cách ly. Họ tự nguyện, ăn cơm nhà, ra xã làm mà không 1 lời ca thán, đi vào vùng cách ly cũng không đòi hỏi bất cứ 1 ưu đãi nào. Khi hỏi anh Ha Lim, 1 thành viên trong nhóm: Bạn đi vào đó có sợ bị mắc bệnh không? "Dạ, ban đầu em cũng hơi lo lắng, nhưng chỉ tâm niệm mình đi giúp bà con làng mình thôi, chứ có nghĩ đến nguy hiểm đâu, nhưng khi đêm về nhà nghĩ lại vẫn còn cảm thấy lo trong người. Chỉ cần sơ suất nhỏ trong khâu bảo hộ, diệt khuẩn, là có thể bị lây bệnh, không chỉ cho mình mà cho cả nhà nữa. Cũng may được cộng đồng động viên, anh em trong nhóm ai cũng vui vẻ đồng lòng và hết mình vì công việc". Một nhóm phụ nữ tự nguyện vận động mọi người góp kinh phí, cùng với 1 nhà hảo tâm xin nấu cháo dinh dưỡng để sáng sáng phát cho trẻ em trong thôn. Chị Sa Ti, nhân viên của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xin ra chỗ đóng quân dã chiến của Công an huyện đang làm nhiệm vụ ở đây để nấu cơm giùm với tinh thần: “Giúp các anh đến khi nào hết dịch thì thôi”. Nhiều người bạn ngoài tỉnh vận động nhau, chỉ vài ngày là có hàng chục tấn rau củ quả từ các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên nối nhau chuyển về chất đống trong sân UBND xã. Có nhóm cổ động viên bóng đá của CLB Dược Nam Hà- Nam Định ở tỉnh Đồng Nai, đa phần chưa biết đến vùng đất này, nhưng nghe lời kêu gọi của những người bạn đã tổ chức quyên góp trong cộng đồng để mua quà vào tặng bà con.
Thật cảm động và ấm tình người khi 1 người nông dân bình thường, sáng hái 1 xe rau, thay vì chở ra chợ bán, chị chạy thẳng tới UBND xã, không xưng danh chỉ nói là của ít lòng nhiều xin chia sẻ với bà con, thế rồi vội vã ra về, đôi chân lội ruộng rau còn vết bùn. Khi nhìn thấy hình ảnh những chiến sỹ Công an cùng các lực lượng chức năng vất vả ngày đêm chốt chặn khu vực cách ly, nhiều cá nhân đã cảm thông, động viên và đến tặng quà, ngoài những hộp sữa tươi, hũ yến chưng, dăm chục kg nho, trăm trái dưa hấu, thùng trà giải nhiệt hay vài lít mật ong... còn không quên chúc các anh mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ.
Khi tôi viết những dòng này tại trụ sở UBND xã Phước Nam, thì người cuối cùng trong số 90 người của các thôn Văn Lâm, được cách ly tập trung đã trở về nhà từ hôm qua và bệnh nhân 61 và 67 vừa được xuất viện và chuyển qua cách ly tập trung. Ngoài kia giữa sân nắng, đoàn xe cứu trợ của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đang bốc gạo, mỳ, trái cây được quyên góp ủng hộ đồng bào Văn Lâm 3 đang được bốc dỡ. Giữa màu áo xanh của đoàn viên thanh niên là những chiến sỹ bộ đội, công an và cả lưng áo bạc nắng của nhóm tình nguyện Văn Lâm đang hối hả chuyển hàng xuống, phân chia thành gói nhỏ và chuyển vào tận ngõ cho hơn ngàn hộ gia đình đang trong khu cách ly. Nhìn những giọt mồ hôi đẫm lưng của mọi người, tôi hiểu họ đang mệt lắm, nhưng qua ánh mắt tôi vẫn thấy nụ cười của họ lấp lóa trong chiếc khẩu trang. Họ đang làm tất cả vì những người dân Văn Lâm 3, họ làm để mọi người dân hiểu rằng: dù Văn Lâm 3 đang cách ly nhưng vẫn không cô đơn. Để mỗi người hiểu rằng tinh thần lạc quan, đoàn kết của cả cộng đồng, ý thức trách nhiệm của mỗi người cùng với quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc chống đại dịch toàn cầu chính là thứ Vacxin tốt nhất trong lúc này. Bỗng trong tôi chợt vang lên câu hát: “...trong cơn hoạn nạn, mới hiểu lòng nhau…”.. Những khi khó khăn, hoạn nạn, thì nào kể vùng miền, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, mỗi người một tay cùng gắn bó, sẻ chia, có lẽ chính vì thế, dân tộc ta mới trường tồn và phát triển như hôm nay.
Trần Thanh Sơn