Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 231km, cách Cần Thơ 62km; có 72 km bờ biển với 02 cửa sông lớn là sông Hậu (đổ theo 02 con sông lớn Trần Đề, Định An) và sông Mỹ Thanh, có nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và tôm. Đây cũng là vùng đất có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển tổng hợp, thủy hải sản, nông - lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển. Năm 2019, tỉnh đạt và vượt cả 20/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội; tăng trưởng kinh tế đạt 7,3% - cao nhất kể từ năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc trực tuyến. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biển đổi khí hâu, hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng chống để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trong quý I/2020, nhờ chủ động xuống giống sớm để tránh khô hạn và xâm nhập mặn, tỉnh đã thu hoạch hơn 161.000 ha lúa, tăng gần 25%. Năng suất bình quân 6,32 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn. Sóc Trăng là 1 trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có giống gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Sóc Trăng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 và xâm nhập mặn hiệu quả. Đặc biệt là thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị tốt phương án cho công tác cách ly tập trung, chưa để xảy ra lây nhiễm trên địa bàn.
Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao công tác chỉ đạo xử lý vấn đề xâm nhập mặn của Sóc Trăng, đạt kết quả tốt, như bố trí lại lịch thời vụ, chuyển cơ cấu cây trồng. Do đó, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, nhưng Sóc Trăng chịu ít thiệt hại hơn.
Khẳng định cùng với chống COVID-19, việc chống hạn mặn, bảo đảm cuộc sống người dân, không để thiếu nước sinh hoạt, cũng rất quan trọng, Thủ tướng biểu dương Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2019, là một trong 5 tỉnh có năng suất lúa cao nhất, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, có giống gạo ST25 ngon nhất thế giới. Tỉnh có đông đồng bào Khmer nên cũng rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội.
Đề cập đến một số tồn tại, bất cập của Sóc Trăng, Thủ tướng chỉ rõ yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công thấp. Trong 2 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư công của tỉnh mới giải ngân được gần 9%. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Sóc Trăng cần "giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, kịp thời hơn" bởi nguồn vốn lớn này chính là nguồn lực cho tăng trưởng. Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để kiểm điểm 4 việc là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự.
Thông tin dự báo của một số tổ chức quốc tế cho rằng kinh tế thế giới năm nay sẽ sụt giảm, suy thoái nặng nề, Thủ tướng đề nghị trong lúc nguồn lực còn khó khăn, yêu cầu đặt ra là cần có các biện pháp giữ được tốc độ tăng trưởng. Do đó, để đạt được mục tiêu này, các tỉnh phải “tay nắm tay” để chống sụt giảm, thúc đẩy tăng trưởng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Sóc Trăng cần tìm lợi thế cần thiết, nhất là những thế mạnh về nông, lâm, hải sản, dịch vụ; đi đôi với đó là cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần dành nguồn lực cho 2 công tác: Chống dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu, để thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã nêu ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu không tập trung đông người; chống dịch COVID-19 là quan trọng hàng đầu, tiếp theo là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Nhắc lại mục tiêu đến năm 2025, Sóc Trăng phải là một tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tập trung phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, tỉnh cũng cần tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2021, số doanh nghiệp tăng gấp 3 lần so với 2.829 doanh nghiệp hiện nay, đạt khoảng 8.000 doanh nghiệp.
Theo TTXVN/Báo Tin tức