Hội nghị được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá những kết quả đạt được đối với việc tôn vinh Bác trong 10 năm qua; đánh giá ý nghĩa của các hình thức tôn vinh Bác tới quan hệ giữa Việt Nam và các nước; đề xuất phương hướng triển khai trong thời gian tới.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), đóng góp cho hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020) và nhiều hoạt động kỷ niệm lớn khác trong năm 2020 như: 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020), 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Việc tổng kết, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong một thập kỷ qua cũng góp phần thiết thực để thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đối với ngành ngoại giao.
Khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng lớn lao của việc Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) năm 1987 đã có Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Nghị quyết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”; đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”; ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.
Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của UNESCO, cũng như nhiều hình thức tôn vinh, công nhận rộng rãi khác của cộng đồng quốc tế đối với công lao, đóng góp của Bác mang lại sự tự hào to lớn đối với Đảng và nhân dân ta; đồng thời đặt ra nhiệm vụ rất lớn là làm sao để giá trị về tư tưởng, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới, góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam anh hùng, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, yêu chuộng hòa bình, chủ động và tích cực hội nhập, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng cho biết, nhằm phát huy ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO, cách đây 10 năm, Ban Bí thư đã thông qua nhiệm vụ triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” do Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, quý báu của nhiều chuyên gia, cán bộ lão thành.
Kể từ năm 2009, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa thành các nội dung, kế hoạch, hoạt động của các bộ, ngành, địa phương liên quan và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong ngành Ngoại giao, việc triển khai thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung rất quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa, một trong các trụ cột của công tác đối ngoại, bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, người dân trong nước và đặc biệt là bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trên thế giới. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mọi việc thành công bởi chữ đồng", các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp phát huy điểm "đồng thuận" giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác từ các giá trị, lý tưởng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi, giúp Việt Nam và đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu và lợi ích chung, củng cố lòng tin và tình hữu nghị, từ đó góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu.
Đối với hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều việc phải làm để triển khai hoạt động quan trọng này một cách hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là củng cố tính bền vững và bảo đảm sự lan tỏa rộng rãi của thành quả đã đạt được. "Trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này vừa để các thế hệ người Việt Nam cả trong và ngoài nước củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng đất nước Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như ước nguyện của Bác; vừa để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam - đất nước Hồ Chí Minh với lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình, thắm tình hữu nghị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh cho chính nghĩa, cho hòa bình, dân chủ và thịnh vượng chung của nhân loại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ các yêu cầu về việc đánh giá toàn diện và thực chất tình hình triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới; làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân khách quan và chủ quan, đúc kết các bài học kinh nghiệm cho thời gian tới; phân tích sự thay đổi về môi trường quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, mạng xã hội; thay đổi trong cộng động người Việt Nam ở nước ngoài, với việc thế hệ trẻ kiều bào ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn, nhưng sự hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước Việt Nam có thể giảm đi so với thế hệ trước.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phân vai rõ ràng, xác định nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương; lợi thế, thế mạnh của các kênh như đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện, đối ngoại quốc phòng, an ninh, kênh chuyên gia, học giả, để xác định nhiệm vụ và nguồn lực, thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả cao nhất.
Nhiều hoạt động tôn vinh Bác với hình thức phong phú
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, phụ trách việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW tại Bộ Ngoại giao cho biết, trong 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao Ban Bí thư cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới, việc tôn vinh Bác đã và đang được triển khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các hình thức tôn vinh Bác được triển khai đa dạng, phong phú ở cả góc độ vật thể và phi vật thể, dưới nhiều hình thức phong phú; trong đó có các hoạt động như mít tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo khoa học nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Quốc Khánh Việt Nam và các sự kiện quan trọng khác của đất nước. Tất cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều có các hoạt động, sự kiện có liên quan tới việc tôn vinh Bác với quy mô, phạm vi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước sở tại.
Tại nhiều địa bàn, các hoạt động trên đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông, phát huy hiệu quả giá trị lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, nhân cách và thiên tài của Hồ Chí Minh dưới cả hai góc độ “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh "Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bên cạnh đó, các hoạt động tôn tạo và xây dựng mới tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai tại nhiều nước. Trước năm 2009, có 6 tượng Bác được đặt tại một số nước ở các châu: Á, Âu, Phi, Mỹ Latinh. Sau 10 năm, đã có thêm 29 công trình mới, nâng số lượng tượng, tượng đài Bác ở nước ngoài lên 35 công trình tại 22 quốc gia.
Tại các nơi Người đã từng sống và hoạt động, nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng đã được xây dựng, tu sửa. Hiện nay, 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài đã trở thành địa chỉ tham quan, thăm viếng của nhân dân địa phương, du khách quốc tế, địa điểm quen thuộc cho các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam. Nhiều địa danh, thông tin mà Bác đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua cũng được đặt bia, gắn biển đồng. Nhiều quốc gia đã đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường mang tên Bác. Nhiều ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản, phát hành.
Thời gian qua, các tác giả nước ngoài đã có gần 40 cuốn sách về Người, phần lớn giới thiệu về tiểu sử Bác, bản di chúc, tập thơ Nhật ký trong tù; hoặc xây dựng các bộ phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học mang tính quốc tế về Bác được tổ chức ở cả trong nước và nước ngoài. Gần đây nhất là Triển lãm và Hội thảo quốc tế tại Indonesia nhân kỷ niệm 60 năm Bác tới thăm Indonesia (từ 27/2-8/3/1959) và Tổng thống Sukarno tới thăm Việt Nam (từ 24-29/6/1959).
Các hình thức mang tính nghệ thuật, sáng tạo về Bác cũng được triển khai tại nhiều nước với nhiều sự đổi mới, sáng tạo như: Xây dựng các góc, không gian Hồ Chí Minh tại các thư viện, trường học để trưng bày các tài liệu ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác cũng như giới thiệu về Việt Nam; tổ chức các đêm thơ, đêm ca nhạc; sáng tác thơ, bài hát, phim, phát hành tem...
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương như Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đã trao đổi, thảo luận về việc nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện hoạt động tôn vinh Bác ở nước ngoài, góp phần tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh một lần nữa khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường phổ biến, tuyên truyền và phát huy các giá trị vĩ đại về tư tưởng, tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh cả ở trong và ngoài nước; sự cần thiết của việc tiếp tục triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới; yêu cầu đổi mới cách làm, nội dung, nâng cao hiệu quả, tính lan tỏa và củng cố tính bền vững, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; chú trọng vai trò của các phương thức truyền thông mới.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao Kỷ niệm chương của Bộ Ngoại giao tặng một số cá nhân, tập thể người Việt Nam và người nước ngoài có nhiều đóng góp cho hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, trong đó có ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao và bà Phan Thị Phúc, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ UNESCO, Bộ Ngoại giao.
Bên lề Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia tổ chức Triển lãm với chủ đề “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức