Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để
cho ý kiến về kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật như: Việc bổ sung mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, sửa đổi tên một số lĩnh vực; sửa đổi tên chức danh có thẩm quyền xử phạt, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ người do có sự thay đổi tên gọi, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; làm rõ hơn quy định về thẩm quyền xử phạt khi có sự thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ; quy định rõ hơn về giao quyền xử phạt, lập biên bản, một số thời hạn mà Luật XLVPHC quy định chưa rõ ràng; sửa đổi, bổ sung quy định về việc tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính để đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn bảo đảm tính chặt chẽ...
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực (sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 24 của Luật XLVPHC) so với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực và sửa đổi tên 7 lĩnh vực.
Về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi (VPHC) - mức phạt đối với từng hành vi cụ thể được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật XLVPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.
Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.
Do vậy, đa số ý kiến phát biểu tại Phiên họp và của Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Về việc bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 6 lĩnh vực và sửa đổi tên của 7 lĩnh vực: Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ phạm vi của 2 lĩnh vực mới được bổ sung là “in” và “cứu nạn, cứu hộ” để không chồng chéo với các lĩnh vực khác; bỏ lĩnh vực “quản lý và bảo tồn nguồn gen” và “phân bón” vì đã thuộc lĩnh vực trồng trọt theo quy định của Luật Trồng trọt.
Phát biểu, góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Cần làm rõ việc xử phạt tiền trong các vụ án hình sự hiện nay trong Bộ Luật hình sự và mức phạt trong Luật XLVPHC ra sao, có vênh nhau không? Theo Chủ tịch Quốc hội, “hiện đang có thực tế vênh” giữa xử phạt hành chính và mức phạt xử lý hình sự, mức xử phạt hành chính cao hơn hình sự hay không.
“Ví dụ, tội đánh bạc, trong dự thảo tính mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội là 40 triệu đồng nhưng khung hình phạt tiền của tội đánh bạc tại Bộ luật Hình sự là từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đông. Tôi thấy có độ vênh, cần xem lại”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết vấn đề này mang tính chất lý luận. Qua nghiên cứu cho thấy có một số điểm chung giữa pháp luật về đối tượng điều chỉnh và các vấn đề có liên quan trong pháp luật hành chính và pháp luật hình sự ở chỗ VPHC và vi phạm hình sự đều là vi phạm. Các quy định về xử phạt VPHC và các chế tài hành chính cũng như hình sự đều phải được quy định trong pháp luật hành chính và pháp luật hình sự…
Về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (bổ sung điểm đ và điểm e khoản 2 Điều 86 của Luật XLVPHC), dự thảo Luật bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” và “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.
Về biện pháp “ngừng cung cấp điện, nước”, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ngoài quy định của Luật XLVPHC, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP có quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC “ngừng cung cấp điện”. Tuy nhiên, tài liệu trong hồ sơ không tổng kết việc thi hành biện pháp này. Mặt khác, báo cáo tổng kết thi hành Luật XLVPHC cho thấy, các cơ quan thực thi việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC không gặp khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế. Báo cáo đánh giá tác động không đánh giá tác động nội dung này; việc dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự như vậy là can thiệp “quá sâu” vào quan hệ dân sự. Việc cắt điện, nước để buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định xử phạt là không thực sự phù hợp. Do vậy, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả, thích hợp với giai đoạn xử lý hành vi VPHC, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm.
Quy định như vậy là tương tự như biện pháp ngừng cung cấp điện, nước để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép đã được quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP (đã hết hiệu lực).
Có ý kiến tán thành bổ sung quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC “ngừng cung cấp điện, nước” như quy định của dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.
Về biện pháp “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC là không đúng về bản chất, trùng lặp với hình thức xử phạt.
Biện pháp cưỡng chế “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” là biện pháp có tính nghiêm khắc hơn cả hình thức xử phạt, không tương xứng, phù hợp với các hình thức xử phạt VPHC và các biện pháp khắc phục hậu quả. Mặt khác, việc bổ sung biện pháp này chưa được đánh giá tác động cụ thể và cũng không xuất phát từ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Do đó, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, xử lý vi phạm hành chính là công cụ rất quan trọng để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Việc xử lý vi phạm hành chính liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì thế, dự thảo luật này phải bảo đảm 2 yêu cầu, đó là, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xã hội cho tốt, vừa bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân.
Trong thực tiễn, Luật này là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất. Báo cáo tổng kết cho thấy, thời gian qua, mỗi năm có khoảng 7 triệu văn bản xử phạt vi phạm hành chính. Chúng ta có nhiều đạo luật, nhưng đây là 1 trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải làm rõ việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hiện nay giữa hình sự và hành chính, tiêu chí nào để xác định mức xử lý. Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm "hành chính là em của hình sự, hình sự phải cao hơn, căn cứ tiêu chí để xử lý". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đặt câu hỏi hiện nay so với Bộ luật Hình sự, việc sửa đổi này đã đồng bộ chưa. Một số quy định lâu nay dư luận có phản ứng về xử phạt hành vi quấy rối tình dục... hiện nay đáp ứng được chưa?
Theo TTXVN/Báo Tin tức