Đó là thông tin mà ông Andrey Klishas, Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Hiến pháp của Hội đồng Liên bang Nga nói với hãng thông tấn TASS hôm 15/1.
“Những sửa đổi đối với Hiến pháp Nga đòi hỏi sự làm việc tập trung và kỹ lưỡng của các luật sư, chính trị gia cùng một cuộc thảo luận với đại diện của công chúng. Tổng thống đã nêu các đường hướng chính trong sửa đổi hiến pháp và công tác thực hiện sẽ sớm bắt đầu”, ông Klishas nói.
Điện Kremlin. Ảnh: TASS
Theo ông Klishas, các biện pháp sửa đổi do Tổng thống Putin đề xuất sẽ cho phép Tòa án Hiến pháp kiểm tra các dự luật theo yêu cầu của Tổng thống và cải thiện đáng kể chất lượng của quy trình lập pháp và vai trò của Tòa án Hiến pháp.
Bên cạnh đó, nhà làm luật trên lưu ý rằng cần phải hỗ trợ đầy đủ cho đề xuất của ông Putin nhằm củng cố quyền tối cao của Hiến pháp Nga đối với luật pháp quốc tế để đảm bảo toàn bộ chủ quyền của nhà nước, đóng vai trò là yếu tố cốt lõi trong việc thực thi chính sách công vì lợi ích tốt nhất của người dân.
Theo ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Tổng thống, ông Putin sẽ ký một sắc lệnh đặc biệt để định ngày và quy tắc bỏ phiếu về các sửa đổi Hiến pháp. Ông Peskov lưu ý đây là quy trình bỏ phiếu, chứ không phải trưng cầu ý dân.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga đã bắt đầu đọc thông điệp liên bang lần thứ 16 vào chiều 15/1 (theo giờ Việt nam) trước 1.300 khách mời gồm các thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện), Duma Quốc gia (Hạ viện), các thành viên chính phủ, người đứng đầu các Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao, thống đốc các tỉnh, Chủ tịch Hội đồng lập pháp ở các chủ thể, người đứng đầu các cơ quan truyền thông lớn.
Đài Sputnik dẫn phát biểu của ông Putin Putin cho rằng nước Nga không cần thiết phải có một bản Hiến pháp mới, song ông vẫn đề xuất một số thay đổi đối với bản Hiến pháp hiện hành.
Theo TTXVN/Báo Tin tức