Đây là vụ đại án tham nhũng được dư luận hết sức quan tâm. Việc xét xử nghiêm minh vụ án này, cũng như một loạt các vụ đại án tham nhũng trước đó tiếp tục khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son hầu tòa.
Nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để trục lợi cho bản thân, gia đình hoặc cho người thân về lợi ích vật chất hay tinh thần.
Thực tế cho thấy, các hành vi tham nhũng xảy ra không chỉ ở cấp trung ương, ở những chương trình, dự án lớn có giá trị hàng nghìn tỷ đồng (tham nhũng lớn) mà còn xuất hiện nhiều tại các cơ quan công quyền ở cơ sở - nơi hằng ngày trực tiếp giải quyết những công việc liên quan đến lợi ích của nhân dân (tham nhũng vặt). Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai... mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Nạn tham nhũng diễn ra tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
Tham nhũng gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội quốc gia; làm thay đổi, thậm chí đảo lộn những chuẩn mực đạo đức trong hệ thống các cơ quan công quyền, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn “tiếp tay” cho các thế lực thù địch, phản động trong việc bôi nhọ, hạ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế.
Do đó, nạn tham nhũng từ lâu đã được Đảng ta chỉ rõ là “giặc nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước. Phòng, chống tham nhũng luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước từ lâu nay. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, kết quả thu được chưa tương xứng với mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tháng 2-2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Đứng đầu Ban Chỉ đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với thông điệp mạnh mẽ: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được...”; “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”... Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng chính là tiếng lòng của toàn dân.
Với quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của người đứng đầu, với sự lãnh đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự đột phá.
Về mặt thể chế, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm.
Qua đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Theo Thanh tra Chính phủ, hơn 6 năm qua, kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, nhiều đại án kinh tế tham nhũng bị triệt phá, thu hồi lại tài sản cho Nhà nước và nhân dân, nhiều quan chức thoái hóa biến chất bị truy tố và chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức 31 đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại 63 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ đã tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn, thể hiện rõ quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng; cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả. Điển hình là các vụ: Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc)...
Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức Đảng. Tính riêng trong năm 2019, đã có nhiều tổ chức Đảng và hàng chục cán bộ cấp cao có sai phạm bị thi hành kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước...
Đáng chú ý, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được chú trọng hơn. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Điển hình như: vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng, vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng, vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng, vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng, vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng...
Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương có chuyển biến nhưng chưa đều. Một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp trung ương khám phá, điều tra. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu...
Thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2020, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc
Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện.
Tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương theo các tiêu chí đã được Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định; tích cực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Theo TTXVN