Để CVĐ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, ngay từ đầu năm, Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công. Điển hình như Sở Công Thương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh các quyết định, kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường Tết Nguyên đán; tổ chức thành công 5 hội chợ thương mại, 5 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi với 118 gian hàng của 58 lượt doanh nghiệp, thu hút 17.200 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu trên 1,2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 63 đợt đưa hàng Việt về nông thôn và 9 điểm bán hàng cố định tại các huyện. Đối với Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ” đã duy trì Điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù, an toàn thực phẩm của tỉnh tại Cơ sở sản xuất và kinh doanh Thiên Thảo (Ninh Phước) và hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu, bán các sản phẩm đặc thù của tỉnh tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa; tổ chức cho các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 5 hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm…
Chủ Cơ sở sản xuất nước mắm Hai Non hướng dẫn cho người tiêu dùng cách check mã trên sản phẩm đặc thù nước mắm Cà Ná.
Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm đặc thù với kinh phí 400 triệu đồng; hỗ trợ bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động khác cho 28 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 623 triệu đồng; phối hợp triển khai 9 dự án hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP với kinh phí trên 637 triệu đồng; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Ứng dụng tem điện tử thông minh trong việc truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận”.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên lồng ghép tuyên truyền mục đích, ý nghĩa CVĐ đến cán bộ, đảng viên, nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các buổi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, các phong trào thi đua yêu nước, hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp... Ban Chỉ đạo CVĐ các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo Mặt trận, đoàn thể phối hợp với chính quyền tuyên truyền giúp cán bộ, nhân dân thay đổi nhận thức, ưu tiên sử dụng các mặt hàng uy tín, chất lượng do Việt Nam sản xuất; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cam kết không sản xuất, mua bán hàng lậu, hảng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các doanh nghiệp hưởng ứng CVĐ thông qua các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, cải tiến kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp của đồng bào Chăm được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Văn Nỷ
Nhìn chung, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận, đoàn thể, sở, ngành nên việc triển khai CVĐ thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Cán bộ, nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa CVĐ, từ đó thay đổi nhận thức ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích phát triển sản xuất... Tuy vậy, việc triển khai CVĐ vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc tổ chức hội chợ, phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng; chính sách, nguồn lực hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế; tình trạng hàng giả, hàng nhái tuy được các ngành chức năng kiểm tra, xử lý song vẫn còn lưu hành làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt…
Để CVĐ tiếp tục lan tỏa sâu rộng, trong năm 2020, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục tuyên truyền các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ và sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo, Mặt trận, đoàn thể trong công tác phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp nhân dân hiểu và coi việc dùng hàng Việt Nam là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc. Các sở, ban ngành chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và động viên doanh nghiệp trong nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình quảng bá hàng Việt; hỗ trợ thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý hàng giả, hàng nhái nhằm tạo niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm nội địa.
Lâm Anh