Hội thảo có sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, học giả và các phóng viên thuộc các viện nghiên cứu, tổ chức và phương tiện truyền thông quốc tế.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đã nêu bật trách nhiệm của Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020; bức tranh chung của khu vực và toàn cầu; những thành tựu và thách thức của ASEAN sau 52 năm thành lập và phát triển; chính sách đối ngoại của Việt Nam; chủ đề bao trùm của năm ASEAN 2020; 5 ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN và con đường phát triển phía trước.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ có trách nhiệm thúc đẩy và tăng cường lợi ích và sự thịnh vượng của ASEAN; xác định những lĩnh vực hợp tác trọng tâm, đề xuất những sáng kiến và kế hoạch mới; đảm bảo phản ứng kịp thời và hiệu quả với những vấn đề cấp bách hay những tình huống khủng hoảng tác động đến ASEAN…
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: TTXVN
Để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, Việt Nam đã đề ra 5 ưu tiên cho năm 2020. Thứ nhất, tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đối phó kịp thời và hiệu quả với những thách thức đang nổi lên. Thứ hai, tăng cường hội nhập và kết nối trong nội bộ khối và bên ngoài khu vực tiến tới sự phát triển bền vững và bao trùm, tận dụng đầy đủ những cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại. Thứ ba, thúc đẩy nhận thức và bản sắc ASEAN thông qua việc tạo ra những giá trị chung của ASEAN, nuôi dưỡng ý thức cộng đồng trong ASEAN. Thứ tư, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới. Thứ 5, tăng cường năng lực và tính hiệu quả về thể chế của ASEAN.
Ngoài ra, những thuận lợi và thách thức trong khu vực và toàn cầu cũng được đề cập tại cuộc hội thảo. Những điều kiện thuận lợi là hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo; các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại những lợi ích về năng suất và tiến bộ về con người.
Tuy nhiên, khu vực và thế giới cũng phải đối phó với nhiều thách thức như sự cạnh tranh giữa các nước lớn; chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, căng thẳng thương mại gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; sự đột phá của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đem lại sự phân chia của cải không đồng đều, gây ra những mối đe dọa tiềm tàng về an ninh mạng; bên cạnh đó là những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Theo TTXVN/Báo Tin tức