Có thể nói những ưu tiên này đã thể hiện rõ cam kết của Việt Nam cùng các thành viên khác của LHQ chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân, cũng là mục tiêu cao nhất để bảo đảm quyền con người trên cấp độ toàn cầu.
Với mong muốn thực sự trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2 năm sắp tới (bắt đầu từ ngày 1/1/2020), Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến của mình nhằm đóng góp trực tiếp và xây dựng vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển, những yếu tố tiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người ở bất kỳ nơi đâu.
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chụp ảnh chung trước khi lên máy bay sang Phái bộ
Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ, sáng 26/11/2019. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động không ngừng, khủng bố, cực đoan, bạo lực, xung đột… đang đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người trên thế giới, việc ngăn ngừa chiến tranh, gìn giữ hòa bình, duy trì môi trường an ninh bền vững, ổn định chính là nền tảng của công cuộc bảo vệ quyền con người trên thế giới. Đó cũng là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong cam kết thúc đẩy quyền con người.
Sự kiện Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (192/193), cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người trên thế giới. Việt Nam đang chủ động đóng góp trực tiếp trong sứ mệnh quốc tế bảo vệ hòa bình, cũng là để bảo vệ quyền con người thông qua việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, thực hiện sứ mệnh cao cả, giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột và chiến tranh củng cố hòa bình, tái thiết đất nước, để tạo ra các điều kiện thúc đẩy quyền con người ở nơi đó, trước hết là quyền được sống trong hòa bình và ổn định.
Chính thức tham gia đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2014, sau 5 năm, Việt Nam đã triển khai sĩ quan tại hai phái bộ ở Nam Sudan và CH Trung Phi. Đặc biệt, năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thực thi nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan và mới nhất, tháng 11 vừa qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã lên đường tới Nam Sudan, sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 hoàn thành nhiệm vụ.
Bước chân của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã đồng hành cùng nỗ lực chung của thế giới để đem lại cuộc sống yên bình, tốt đẹp hơn cho người dân Nam Sudan, giúp họ được thụ hưởng những quyền cơ bản nhất của con người. Dấu ấn hòa bình của Việt Nam thông qua những đóng góp gìn giữ hòa bình trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, LHQ đã trao tặng Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình LHQ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam.
Trước đó, trong lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam cũng đã để lại dấu ấn bằng nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến, đóng góp tích cực trong việc giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã đưa ra thảo luận các vấn đề rất quan trọng như bảo vệ trẻ em, phụ nữ..., những vấn đề cốt yếu trong thúc đẩy quyền con người, trong đó phải kể đến Nghị quyết của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người của LHQ, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế khác; chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu…
Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng Nhân quyền thông qua hai nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…
Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, tại Hà Nội, cuối tháng 2/2019. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Một “dấu ấn hòa bình” nữa phải kể tới chính là sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 2/2019, đúng dịp kỷ niệm 20 năm thủ đô của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.
Như Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhận định, Việt Nam được lựa chọn để tổ chức cuộc gặp này vì “Việt Nam hiện đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên”. Nói rộng hơn, những đóng góp thiết thực của Việt Nam để thúc đẩy hòa bình trên toàn cầu là cơ sở để “đất nước hình chữ S” trở thành điểm hẹn cho nỗ lực thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyên gia Carl Thayer, Giáo sư danh dự - Học viện Quốc phòng Australia, nhận định Việt Nam đã chứng tỏ là một nhân tố tích cực đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và thế giới.
Có thể khẳng định Việt Nam đã thể hiện vị thế “một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” thông qua những đóng góp ngày càng thiết thực vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững… và cao hơn hết, chính là những nỗ lực thúc đẩy và đảm bảo quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Cùng với những thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong Khóa họp 41 Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 7/2019 vừa qua, khi Hội đồng Nhân quyền đồng thuận thông qua kết quả Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, những “dấu ấn hòa bình” tại các diễn đàn đa phương quốc tế như HĐBA LHQ, Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ…, là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy, tôn trọng và thực hiện quyền con người.
Theo TTXVN/Báo Tin tức