* Trong nước:
- Ngày 7-12-1946: Báo Cứu quốc, số 428 đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp.
Lời kêu gọi viết: “Người Việt Nam và người Pháp đã đổ máu nhiều rồi, đã chịu tai vạ chiến tranh nhiều rồi. Nếu tình thế này kéo dài nữa thì sẽ bị bọn khiêu khích lợi dụng phá hoại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”.
- Ngày 7-12-2015: Khởi công xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng.
Công trình được xây dựng với tổng diện tích gần 1.300m2, tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, do công ty Kiến trúc Wright (Nhật Bản) tư vấn thiết kế.
Nhà trưng bày Hoàng Sa được thiết kế có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” (thời nhà Nguyễn). Ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Ngày 28-3-2018, Nhà trưng bày đã được khánh thành và đưa vào hoạt động.
Đây là thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt; là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Ngày 7-12-2015: Hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa các tỉnh biên giới Việt - Lào.
Sau 8 năm tham gia thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, đến nay, 10 tỉnh biên giới Việt - Lào đã hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa; xây dựng xong 792 vị trí/834 cột mốc và 113 vị trí/168 cọc dấu. Các đồn Biên phòng đã tiếp nhận, quản lý bảo vệ tất cả các cột mốc, cọc dấu mới xây dựng. Hai bên đã đàm phán, hoàn thiện dực thảo Nghị định thư về đường biên giới, cột mốc và các tài liệu đính kèm nhằm ghi nhận toàn bộ thành quả công tác phân giới cắm mốc trước đây và tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào…
Đến nay, hai nước Việt Nam - Lào đã có hệ thống cột mốc hiện đại, đảm bảo tính pháp lý, kỹ thuật, độ bền và mĩ quan ngang tầm các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.
* Quốc tế:
- Ngày 7-12-1972: Mỹ phóng thành công tàu Apollo 17 lên Mặt Trăng.
Apollo-17 mang theo phi hành đoàn gồm 3 người là Eugene Cernan, Ronald Evans và Harrison Schmitt. Sau khi được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Saturn-V, tàu Apollo-17 mất khoảng 4 ngày để tiếp cận Mặt Trăng. Ngày 11-12-1972, module đổ bộ của tàu hạ cánh thành công xuống thung lũng Taurus-Littrow ở bắc bán cầu Mặt Trăng.
Hai nhà du hành Cernan và Schmitt đã ở trên Mặt Trăng tổng cộng 74 giờ 59 phút, 4 lần thực hiện các hoạt động ngoài phi thuyền, thu thập hơn 110 kg đất đá Mặt Trăng. Eugene Cernan trở thành người cuối cùng rời khỏi Mặt Trăng trong thế kỷ XX.
Ngày 19-12-1972, tàu Apollo-17 hạ cánh thành công xuống Thái Bình Dương. Apollo-17 là tàu vũ trụ thứ 6 và là chuyến bay cuối cùng đưa con người đổ bộ thành công lên Mặt Trăng trong thế kỷ XX.
- Ngày 7-12-2014: Bảo tàng Hermitage của Nga tròn 250 tuổi.
Đây là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Bảo tàng này được hình thành năm 1764, khi Nữ hoàng Ekaterina đệ Nhị mua bộ sưu tập gồm 317 bức tranh quý từ thương gia Johanna Gotzkowski ở Berlin. Năm 1852, Hermitage chính thức mở cửa cho công chúng thăm quan.
Bảo tàng này hiện sở hữu bộ sưu tập gần 3 triệu tác phẩm nghệ thuật và các di sản văn hóa thế giới gồm tranh vẽ, đồ họa, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng và phát hiện khảo cổ. Phần trưng bày chính của bảo tàng chiếm 5 tòa nhà chạy dọc sông Neva ở trung tâm St. Petersburg, trong đó các tòa chính của Hermitage chính là Cung điện Mùa Đông trước đây.
Trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm nhân 250 năm ngày thành lập, một màn trình diễn 3D độc đáo mang tên “Vũ hội lịch sử” đã được tổ chức trên Quảng trường Cung điện ở cố đô St. Petersburg.
Theo TTXVN