Hội nghị bao gồm 4 sự kiện chính: Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh (BI); Cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công (PIN) lần thứ 3; Cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23; Phiên họp Cấp cao của Hội nghị Khu vực lần thứ 10 và Lễ bế mạc Hội nghị.
Bà Diana Torres, Giám đốc Dự án, Phòng Minh bạch và Trách nhiệm giải trình UNDP tại châu Á - Thái Bình Dương phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh (BI) với chủ đề "Doanh nghiệp thúc đẩy liêm chính trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng", các đại biểu thảo luận về tình hình và rủi ro tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng từ góc nhìn doanh nghiệp, các biện pháp tuân thủ dành cho khối doanh nghiệp nhằm phòng, chống tham nhũng trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng...
Tại cuộc họp Mạng lưới Liêm chính công (PIN) lần thứ 3, các đại biểu tập trung vào các nội dung: Nguy cơ tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực; Thao túng chính sách và can thiệp không đúng đắn trong các dự án cơ sở hạ tầng; Kiểm toán các dự án cơ sở hạ tầng lớn; Tăng cường liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn - kinh nghiệm của Malaysia; Các dự án cơ sở hạ tầng sạch - chất xúc tác các mục tiêu phát triển bền vững; Phòng ngừa, phát hiện và điều tra tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến lần thứ 23 nghe báo cáo kết quả các cuộc họp BI, PIN; thảo luận về Kế hoạch Hành động của Sáng kiến; thông qua các quyết định về hoạt động của Sáng kiến trong thời gian tới. Phiên họp Cấp cao có chủ đề về định hướng công tác phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phát biểu khai mạc Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng luôn được coi là xương sống cho tăng trưởng kinh tế và là động lực cho sự phát triển xã hội, tạo nền tảng quan trọng để nhà nước cung cấp các dịch vụ công cơ bản đến với người dân. Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây cũng kéo nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Đây là một thách thức lớn mà nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt" - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng Thanh tra, các cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh được kỳ vọng là cơ hội quý báu để các bên liên quan cùng chia sẻ về góc nhìn của doanh nghiệp trước thực trạng tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng, nguyên nhân, những nỗ lực tuân thủ, những khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm thực tiễn tốt, để từ đó tìm ra những giải pháp đồng bộ và toàn diện để tăng cường tính liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và trong hoạt động kinh doanh nói chung.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Tại cuộc họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng giúp Việt Nam có thêm thông tin trong việc thúc đẩy phòng, chống tham nhũng.
"Chúng tôi cho rằng, liêm chính là trái tim của cộng đồng kinh doanh, liêm chính là kinh doanh ngay thẳng, trong sạch hay nói cách khác là tuân thủ các nguyên tắc chung. Liêm chính phát triển bền vững chính là giấy thông hành của các doanh nghiệp Việt Nam bước ra thế giới, doanh nghiệp khổng lồ nếu không liêm chính thì cũng biến mất" - ông Lộc khẳng định.
Mặt khác, các doanh nghiệp đều phải nhận thức rất đầy đủ, liêm chính là nền tảng tương tác giữa cộng đồng với Chính phủ; thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần có sự nỗ lực đồng bộ, xóa bỏ "văn hóa lệ làng" và "văn hóa bôi trơn".
Trong thời gian tới, để phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trước hết là tăng cường nhận thức, xóa bỏ "bôi trơn", xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch; đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, xóa bỏ các điểm còn chồng chéo trong Luật Đầu tư để phòng, chống tham nhũng.
Theo đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), phát triển hạ tầng và tăng trưởng kinh tế trong khu vực rất năng động như châu Á- Thái Bình Dương là rất quan trọng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của tham nhũng và yếu kém trong vấn đề quản trị sẽ ảnh hưởng lớn đến những kết quả phát triển ở khu vực này. Vì vậy, để giảm bớt các tác động tiêu cực, các nước trong khu vực cần nỗ lực, có nhiều hành động hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường hơn nữa năng lực thể chế để giải quyết các vấn đề tham nhũng.
Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á- Thái Bình Dương diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 3 - 6/12.
Theo TTXVN/Báo Tin tức