Trong 27 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, trên tất cả các lĩnh vực quan trọng như thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế, viện trợ phát triển chính thức (ODA), cũng như các lĩnh vực khác như giao lưu nhân dân, giao lưu hợp tác văn hóa...
Quan hệ chính trị tốt đẹp
Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nền tảng vững chắc dựa trên nhiều nét tương đồng về truyền thống, văn hóa, lịch sử, cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau và đặc biệt là tình cảm hữu nghị và sự nỗ lực hướng tới tương lai của chính phủ và nhân dân hai nước.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-12-1992, tháng 8-2001, hai nước ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21”. Tháng 10-2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành Đối tác hợp tác chiến lược, tạo cơ sở chính trị quan trọng đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới.
Trong 10 năm qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển hết sức mạnh mẽ, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu. Về quan hệ chính trị, việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước được duy trì thường xuyên. Gần đây nhất là: chuyến thăm chính thức Hàn Quốc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 7-12-2018; chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn quốc Moon Jae In đến Việt Nam tháng 3-2018.
Hai bên đang duy trì kênh trao đổi theo cơ chế “Đối thoại chiến lược Ngoại giao-An ninh-Quốc phòng cấp Thứ trưởng”, “Đối thoại an ninh Việt-Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt-Hàn cấp Thứ trưởng”... Hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin (ngày 28-6-2012), Bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự (ngày 21-7-2014), Biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (ngày 14-6-2016)...
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Hàn Quốc còn hợp tác chặt chẽ và có những đóng góp tích cực tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác khu vực như Mekong-Hàn Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS)...
Hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ
Hàn Quốc hiện đang là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ 2 về ODA (sau Nhật Bản), thứ 3 về thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh Châu Âu).
Tính lũy kế tới nay, trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đăng ký 64 tỷ USD hơn 7300 dự án còn hiệu lực (chiếm 18,4 % tổng vốn đầu tư và 25% tổng dự án FDI). Riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) với vốn đăng ký cấp phép mới đạt 3,5 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng có khoảng 40 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với tổng số vốn đầu tư là 23,8 triệu USD. Hầu hết các dự án có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012-2015; tháng 11-2017, hai bên đã ký Hiệp định tín dụng khung Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020 với số vốn 1,5 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 66,2 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 18,3 tỷ USD (tăng 23,2%) và nhập khẩu đạt 47,9 tỷ USD (tăng 2%). Trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 49,9 tỷ USD (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 14,5 tỷ USD (tăng 8,1%), nhập khẩu đạt 35,4 tỷ USD (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2018).
Hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực
Cùng với lĩnh vực kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu.
- Về hợp tác lao động, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Đài Loan-Trung Quốc) và Việt Nam là nước xuất khẩu lao động lớn thứ 2 của Hàn Quốc (sau Trung Quốc). Hiện có hơn 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (tháng 3-2018), hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Hai bên đang triển khai thí điểm đưa lao động tại một số địa phương Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Về hợp tác du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Năm 2017, trên 2,5 triệu lượt du khách Hàn Quốc đã tới Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2016, khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt khoảng 325 nghìn lượt người tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2018, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 3,4 triệu lượt, tăng 44,3%.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, du khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt hơn 3,14 triệu lượt, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam-Hàn Quốc.
- Về hợp tác giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá (8-1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10-2008) cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác.
Năm 2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Năm 2016, Bộ Giáo dục đào tạo và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học.
- Về hợp tác nông nghiệp, Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình Nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai. Được ký kết lần lượt vào năm 2012 và 2015 với tổng vốn đầu tư của 2 Chương trình là trên 40 triệu USD, hai bên hướng đến các mục tiêu nhằm phát triển cộng đồng, tăng cường năng lực cho nhân viên y tế, phát triển giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và công chức.
- Về hợp tác khoa học kỹ thuật, năm 1995, Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam-Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác (tháng 6-2010). Dự án Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành ngày 14-11-2015. Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST).
Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua việc trao đổi cán bộ, thông tin, đào tạo cán bộ theo các chương trình đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Trung tâm đào tạo quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPTI), hợp tác trong lĩnh vực tự động hóa quản lý sở hữu trí tuệ, thực thi quyền và các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT).
Về năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (3-2007).
- Về giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương, theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tính đến hết tháng 6-2019, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người Việt Nam. Ở chiều ngược lại, với hơn 150.000 kiều dân, người Hàn Quốc là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là cộng đồng người Hàn Quốc lớn nhất tại ASEAN. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành, địa phương của hai nước ký kết và đang triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác.
Theo TTXVN