Chính phủ quán triệt xuyên suốt 3 điều kiện đảm bảo tăng trưởng bền vững

Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Tinh thần này được quán triệt xuyên suốt trong quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ - Ảnh Chinhphu.vn

Chiều 21- 3, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng

Báo cáo nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2007-2011 được kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt là những kết quả trực tiếp của nhiệm kỳ 2002-2007, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp khó lường của tình hình kinh tế - chính trị khu vực và thế giới, nhất là những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những tiến bộ và kết quả chủ yếu. Đó là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc tập trung chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chuyển mạnh sang điều hành phát triển KT-XH bằng pháp luật trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường.

Chính phủ và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, khuyến khích phát triển mạnh kinh tế dân doanh và đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp nhà nước được đổi mới, cơ cấu lại. Theo đó, đã đẩy mạnh cổ phần hóa và chuyển toàn bộ 1.200 doanh nghiệp nhà nước còn lại sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài được quan tâm chỉ đạo cải thiện với tổng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 150 tỷ USD.

Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo các giải pháp tạo lập và vận hành các loại thị trường như thị trường hàng hóa, dịch vụ, chứng khoán, bất động sản…

Một tiến bộ, kết quả nữa là tập trung lãnh đạo chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Nhiệm kỳ qua, hoạt động quản lý điều hành phát triển KT-XH được thực hiện trong điều kiện kinh tế - chính trị thế giới biến động hết sức phức tạp, tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Tinh thần này được quán triệt xuyên suốt trong quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Vẫn theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm kỳ 2007-2011, Chính phủ cũng đã tăng cường lãnh đạo chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém.

Đó là, việc xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế vẫn còn bất cập; hiệu quả quản lý điều hành chưa cao, kinh tế phát triển chưa bền vững; văn hóa – xã hội còn nhiều mặt bất cập, một số vấn đề bức xúc giải quyết còn chậm; lãnh đạo chỉ đạo cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; công tác đối ngoại có mặt chưa chủ động, hội nhập quốc tế hiệu quả chưa cao; hiệu quả công tác quốc phòng an ninh có mặt còn hạn chế, trật tự an toàn xã hội chuyển biến còn chậm.

Một số kinh nghiệm

Từ những thành tựu và hạn chế trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng trong điều hành phát triển KT-XH đất nước.

Đó là phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Phải kiên trì thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô mà bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt coi trọng việc tổ chức thực hiện, hành động quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao; đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự đồng thuận trong toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu.

Phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, tạo sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng vượt qua thách thức khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Từ thực tiễn công tác nhiệm kỳ 2007-2011, Chính phủ có một số kiến nghị lớn. Đó là, khẩn trương thể chế hóa các chủ trương, đường lối vừa được thông qua tại Đại hội XI của Đảng thành các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình mới; sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Trên cơ sở đó, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND; tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Chính phủ; giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm chủ động điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Cũng trong phiên làm việc hôm nay (21/3), Quốc hội nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XII, Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Nguồn www.chinhphu.vn