Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa khoản 2 Điều 23 của Luật hiện hành theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu rõ, theo báo cáo tổng kết việc thi hành một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm nhưng con số này đến nay vẫn chưa đạt. Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách trên tổng số 483 đại biểu Quốc hội, mới đạt 34,5%. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao tỷ lệ này không đạt yêu cầu đồng thời quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong đó quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở các cơ quan hành pháp. "Cần quy định tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là 40% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đồng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, cần tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Về băn khoăn chất lượng nguồn nhân lực liệu có đảm bảo, đại biểu khẳng định: “Vấn đề là hình thành cơ chế, chính sách để thu hút những người có trình độ, năng lực và đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm công việc này”. Thực tế, thời gian qua, Quốc hội đã có những giải pháp cụ thể để thu hút nhiều người ở cơ quan Trung ương, địa phương có trình độ, năng lực về làm trong các cơ quan của Quốc hội.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế để không “công chức hóa” đại biểu chuyên trách, nhằm thu hút lực lượng trí thức, nhà khoa học giỏi, luật sư có trình độ, doanh nhân thành đạt... có tâm huyết xây dựng đất nước về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đồng thời, nâng tuổi nhóm đối tượng này để những đại biểu có trình độ, kinh nghiệm... tiếp tục cống hiến. “Thực tiễn cho thấy, việc nâng tuổi là cần thiết bởi đây là vốn quý của Quốc hội. Nhiều đại biểu chuyên trách tuy lớn tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm, sự thẳng thắn... đã thể hiện vai trò rất lớn trên nghị trường. Do đó, cần có cơ chế để giữ chân những đại biểu này ở lại Quốc hội, phục vụ đất nước, nhân dân”, đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu quan điểm: Việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là bài toán nan giải và chìa khóa để giải quyết bài toán này là tăng đại biểu chuyên trách, vì thế không có lý do gì để Quốc hội do dự.
Đại biểu chỉ ra thực tế là không ít đại biểu Quốc hội chuyên trách ở thời kỳ “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nhưng trình độ, năng lực, tư duy và bản lĩnh nghị trường thì các đại biểu trẻ khó có được. Sau 5 năm, các đại biểu này phải lui về vì quy định cứng nhắc sẽ là sự lãng phí nguồn lực lớn. “Dự thảo Luật phải giải quyết vấn đề này để giữ được tinh hoa làm trụ cột cho hoạt động của Quốc hội”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Hoa Ry thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng cho rằng, nếu xác định việc nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì cần quy định một mục tiêu để phấn đấu. Đại biểu đề nghị quy định tăng mức tỷ lệ tối thiểu của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là ít nhất không dưới 40%
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành việc xác định cơ cấu của Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên như dự thảo Luật. Trong số các Ủy viên sẽ bao gồm Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban và các Ủy viên khác hoạt động kiêm nhiệm. Các Ủy viên hoạt động chuyên trách có quyền tham dự, phát biểu ý kiến và biểu quyết tại các cuộc họp của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban của Quốc hội. Chế độ chính sách đối với các Ủy viên hoạt động chuyên trách sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để bảo đảm phù hợp với cơ cấu, mặt bằng chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị, không thấp hơn hiện nay và thu hút được cán bộ về công tác tại Quốc hội. Bên cạnh đó, có ý kiến tuy đồng ý với cơ cấu của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Luật nhưng cho rằng, Ủy viên hoạt động chuyên trách là cụm từ chỉ tính chất hoạt động, chứ không phải chức danh, vì vậy, đề nghị giữ lại tên gọi chức danh Ủy viên Thường trực như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ các chức danh trong Hội đồng, Ủy ban như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành để thuận lợi cho việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ, chính sách đối với từng nhóm đối tượng, vừa phát huy hiệu quả hoạt động của từng chức danh vừa bảo đảm tính tập thể trong hoạt động của Hội đồng, Ủy ban. Ý kiến này cũng đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng loại Ủy viên vì hiện nay, tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đang tồn tại nhiều loại ủy viên (Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách, Ủy viên kiêm nhiệm, Ủy viên biệt phái, Ủy viên hoạt động ở trung ương, Ủy viên hoạt động ở địa phương) với chế độ, chính sách khác nhau nhưng lại chưa có sự khác biệt nhiều về chức trách, nhiệm vụ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức