Giai đoạn 2019 - 2021, có 19 huyện phải sắp xếp lại, tuy nhiên các tỉnh, thành đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp 9 huyện; còn 10 huyện đề nghị chưa sắp xếp đợt này. Trong số đó, có 4 huyện đặc thù về vị trí địa lý do nằm cách biệt nên không thể sắp xếp được như: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ngoài ra, có 1 huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh đề nghị sắp xếp theo diện khuyến khích.
Như vậy, có 18 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp).
Có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh minh họa: Mạnh Tú/TTXVN
Dự kiến, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 6 đơn vị. Trong đó: tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (20,08%), tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện (7,14%), tỉnh Quảng Ninh giảm 1 huyện (7,14%), tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện (6,67%); các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không giảm được số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.
Trong giai đoạn này, có 631 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh, thành đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 553 đơn vị; chưa sắp xếp 78 đơn vị. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố còn đề nghị sắp xếp 118 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích.
Cùng với 401 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp, tổng số xã sắp xếp trong đợt này là 1.072. Sau khi sắp xếp, dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 564, trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị (28,09%), Cao Bằng giảm 38/199 đơn vị (19,10%), Phú Thọ giảm 52/277 đơn vị (18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/262 đơn vị (17,56%), Thanh Hóa giảm 76/635 đơn vị (11,97%)...
Bên cạnh hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đến nay vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ để thẩm định, có 11 tỉnh, thành phố sau khi được Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định, nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ đề án để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến nay vẫn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra.
Nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện (đạt 60% so với số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp) là chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện.
Nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng nhiều địa phương chưa lý giải rõ các yếu tố đặc thù mà không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề.
Về sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập, Bộ Nội vụ cho biết, theo số liệu báo cáo của 38/45 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp, dự kiến sau khi sắp xếp, tại các huyện mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 681 cán bộ, công chức; số cán bộ dôi dư là 385 người sẽ giải quyết trong vòng không quá 5 năm.
Đối với cấp xã, dự kiến sau khi sắp xếp, tại các xã mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 8.296 cán bộ, công chức cấp xã; số dôi dư là 9.234 người. Trong đó, số sẽ giải quyết ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4.649 người, gồm nghỉ hưu đúng chế độ: 1.299 người; nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế: 1.230 người; tuyển dụng, tiếp nhận thành công chức cấp tỉnh, cấp huyện: 314 người; bố trí sang các xã khác còn thiếu chỉ tiêu là 1.743 người. Số dôi dư còn lại là 4.585 người sẽ giải quyết trong vòng không quá 5 năm theo quy định (trong đó, tập trung giải quyết từ nay đến năm 2021).
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, dự kiến sau khi sắp xếp, tại các xã mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 4.883 người; số dôi dư là 5.886 người.
Bộ Nội vụ đánh giá, khó khăn lớn nhất là việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư. Theo báo cáo của nhiều địa phương, sẽ tồn đọng một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do chưa sắp xếp, bố trí, giải quyết ngay được (385 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; 4.585 cán bộ, công chức cấp xã). Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã không ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc và vị trí công tác sau khi sắp xếp.
Nguyên nhân là do khi nhập từ 2 - 4 đơn vị hành chính để hình thành 1 đơn vị hành chính mới, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sẽ rất lớn. Mặt khác, trong điều kiện Chính phủ mới ban hành Nghị định số 34/2019/CP-NĐ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng tại mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm 2 cán bộ, công chức cấp xã; giảm từ 7 - 9 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trong khi số lượng những người nghỉ hưu đúng tuổi, thực hiện tinh giản biên chế chưa nhiều, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, giải quyết đối với những người dôi dư.
Bộ Nội vụ sẽ thẩm định các đề án và báo cáo Chính phủ chậm nhất trước ngày 30/11 này. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các hồ sơ đề án còn lại trong tháng 12/2019.
Theo TTXVN/Báo Tin tức