Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Bộ luật Lao động đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, của các tổ chức, doanh nghiệp và cả các tổ chức quốc tế có liên quan. Vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có bản bình luận kỹ thuật dài tới 120 trang về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, ILO nhận định, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cơ bản phù hợp với các nội dung nguyên tắc của ILO, đặc biệt là về các tiêu chuẩn lao động cơ bản như: Bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động, quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể của tổ chức người lao động... và đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Đề cập vào một số vấn đề cụ thể của Dự thảo Bộ luật được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại ngày họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về phạm vi đối tượng điều chỉnh, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Cơ quan soạn thảo đã mở rộng đến cả đối tượng là người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức. Thứ nhất, nội dung Bộ luật điều chỉnh toàn diện cả về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động đối với lực lượng có quan hệ lao động (đối tượng này khoảng 20 triệu người). Thứ hai, quy định các nguyên tắc chung nhất để áp dụng một số tiêu chuẩn, điều kiện lao động, một số vấn đề liên quan đến tiền lương, chống phân biệt đối xử, an toàn vệ sinh lao động đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động và lao động khu vực phi chính thức, nhất là vấn đề bảo vệ người lao động với đối tượng lao động đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi (khoảng 34 triệu người).
“Các quy định này phù hợp với Hiến pháp, kiến nghị của ILO, thích ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Báo cáo tiếp thu và giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận. Với nhóm lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại với số lượng khoảng trên 3 triệu người sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm. Nếu thêm điều kiện suy giảm thì họ sẽ nghỉ sớm có thể tới 10 năm. Về thời gian làm việc bình thường, theo Bộ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo rất đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này. Việc giảm giờ làm việc bình thường là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan, như người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà nước và cũng tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và nền kinh tế nên cần phải nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể.
“Theo Luật hiện hành, thời gian làm việc của chúng ta hiện nay là 48 giờ/tuần và trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Theo báo cáo đánh giá, hiện nay có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện 48 giờ; 3,6% doanh nghiệp thực hiện 44 giờ; 6,8% doanh nghiệp thực hiện 40 giờ. Trong báo cáo cũng nêu rõ, hiện nay 10 nước ASEAN có 8 nước làm việc 48 giờ như Việt Nam, hai nước thấp hơn là Singapore và Indonesia, trong đó Singapore có thu nhập bình quân đầu người năm 2018 gấp 12 lần Việt Nam. Indonesia với dân số hơn 270 triệu người, tỉ lệ thất nghiệp lên 6%, họ cho rằng sở dĩ phải giảm giờ làm việc để chia sẻ việc làm cho mọi người, tránh tình trạng thất nghiệp tăng lên”, Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đứng về góc độ kinh tế, đánh giá sơ bộ cho thấy, nếu giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm đi sẽ là 208 giờ/người/năm, tổng chi phí lao động sẽ tăng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm khoảng 20 tỷ đô/ năm, và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,5%.
“Chúng ta là quốc gia đang nỗ lực rất lớn đề để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp mà theo các chuyên gia, nếu muốn không rơi vào bẫy này thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải có đánh giá rất kỹ lưỡng. Chúng tôi xin đề nghị với Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc”, Bộ trưởng kiến nghị.
Về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất mới và khó. Vừa phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đáp ứng yêu cầu dân chủ cơ sở nhưng cũng phải đảm bảo sự quản lý của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và làm sao để đảm bảo phát triển hệ thống công đoàn, giữ vững vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn. Chúng ta quy định trong Bộ luật 3 vấn đề có tính nguyên tắc như: Việc thành lập, việc gia nhập tổ chức; điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Còn lại 2 vấn đề giao cho Chính phủ quy định là những vấn đề rất cụ thể, đó là trình tự, thủ tục, thẩm quyền đăng ký cấp phép và vấn đề chia tách, sáp nhập, giải thể và quyền liên kết của các tổ chức đại diện… Đây là những vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng để có lộ trình ban hành đảm bảo mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Theo Bộ trưởng, Tổ chức Lao động quốc tế cũng cho rằng, chúng ta đang đi rất đúng hướng, việc chúng ta quy định các nội dung, nguyên tắc trong Bộ luật là khéo léo. Hiện quốc tế có 2 khuynh hướng: Thứ nhất, mở rộng để cho các tổ chức vào, dẫn đến ở một số nước, có doanh nghiệp có đến 23 tổ chức, vì họ không quy định ngay từ đầu. Thứ hai, có những quốc gia đóng cửa. Chúng ta khéo léo mở dần từng cánh cửa, từng bước thích nghi và quản lý các tổ chức này, nhưng đảm bảo các tổ chức hoạt động đúng tôn chỉ mục đích.
“Chúng tôi cố gắng tiếp thu cao nhất các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cả về nội dung, kỹ thuật lập pháp, từ ngữ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo www.chinhphu.vn