Do đặc điểm trên, cùng với tập trung thực hiện công tác dân tộc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cấp uỷ Đảng các cấp đã chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, nhất là trong công tác phát triển đảng viên mới và tổ chức cán bộ.
Nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng vùng dân tộc thiểu số, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Ảnh: Văn Nỷ
Nhiều lần đến vùng DTTS và miền núi trong tỉnh, có dịp trao đổi với cấp ủy địa phương, chúng tôi ghi nhận trong những năm gần đây các TCCSĐ nơi có đồng bào DTTS sinh sống cơ bản đi vào nền nếp; các chi, đảng bộ đã xây dựng được quy chế hoạt động, mối quan hệ phối hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể được duy trì, bảo đảm giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong hoạt động xây dựng địa phương. Qua đánh giá chất lượng hằng năm, đa số TCCSĐ ở các xã vùng DTTS đạt từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đặc biệt công tác phát triển ĐV có tiến bộ hơn trước; các cấp ủy cơ sở trên các địa bàn luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đưa số lượng đảng viên mới kết nạp là người DTTS tăng đều hằng năm. Cụ thể từ năm 2014 đến giữa tháng 6 năm nay, trong tổng số 5.108 đảng viên mới kết nạp toàn tỉnh, đã có 763 đảng viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ 14,94%. Tính đến thời điểm giữa tháng 6 -2019, toàn tỉnh có 2.824 đảng viên là người DTTS, chiếm 14,65%, trong đó, chiếm đa số là dân tộc Chăm có 1.428 đảng viên (chiếm 50,57% đảng viên là người DTTS), kế tiếp là dân tộc Raglai có 1.247 đảng viên (chiếm 44,16%)…
Nhìn chung công tác kết nạp đảng viên là người DTTS được các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo tích cực; chất lượng kết nạp nâng lên, đa số đảng viên có trình độ học vấn trung học phổ thông và ngày một tăng số đảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng, đại học. Kết quả phát triển đảng viên đã tạo thuận lợi cho các cấp ủy, chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ-công chức người DTTS; có nhiều chủ trương, giải pháp để tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ dân tộc. Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong 5 năm (giai đoạn 2014-2019), tỉnh đã đào tạo sau đại học cho 48 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 102 CB, công chức người DTTS (chiếm 13,9% tổng số cán bộ -công chức được cử đi đào tạo). Ngoài ra còn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho 284 cán bộ, công chức và bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước cho 187 cán bộ, công chức người DTTS. Riêng huyện Bác Ái, từ năm 2014 đến nay, trong số 42 tri thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã đã có 13 trí thức trẻ là người DTTS.
Có thể thấy rõ trong công tác tổ chức cán bộ, các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS, đặc biệt là các chức danh chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào DTTS (như các huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam). Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên. Cụ thể, số lượng cán bộ DTTS được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh chiếm 4%, HĐND cấp tỉnh chiếm 14% và cán bộ chủ chốt chiếm 5%. Ở cấp huyện, số cán bộ, công chức người DTTS tham gia BCH chiếm 11%; đại biểu HĐND chiếm 30%; cán bộ chủ chốt chiếm 19%. Riêng cấp xã, số cán bộ, công chức người DTTS tham gia BCH chiếm 29%; đại biểu HĐND chiếm 14% và cán bộ chủ chốt chiếm 34%.
Theo đồng chí Phạm Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS đã từng bước vươn lên, trưởng thành về năng lực và phẩm chất, đáp ứng tiêu chuẩn chung của hệ thống chính trị các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn mà nói công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS vẫn còn những hạn chế, bất cập. Thực tế cho thấy tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS vẫn còn thấp so với dân số; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các huyện miền núi, vùng xa vẫn chủ yếu do các cán bộ tăng cường đảm nhiệm. Sự thiếu hụt cán bộ người DTTS đã tác động không nhỏ đến hoạt động lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn còn khó khăn.
Vì vậy trong giai đoạn 2019-2024, để khắc phục hạn chế trên, theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, điểm nhấn công tác xây dựng Đảng vùng DTTS, miền núi là củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị cơ sở, quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ-công chức người DTTS đông về số lượng, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó thường xuyên rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt cũng như lâu dài và thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ là người DTTS theo quy hoạch. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS, đảm bảo các DTTS có tỷ lệ cán bộ hợp lý tham gia các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã.
Bạch Thương