Thế giới chống đói nghèo: Cuộc chiến cam go

Nhân Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo (17-10), các cơ quan của Liên hợp quốc đã đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng đói nghèo ở các nơi trên thế giới. Dù một số khu vực đã có tiến bộ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chật vật trong cuộc chiến chống đói nghèo, thậm chí còn đang phải trải qua nạn đói nghiêm trọng.

Vì vậy, đẩy mạnh hành động trong cuộc chiến chống đói nghèo đã được Liên hợp quốc xác định là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tình trạng đói nghèo ở mức báo động

Báo cáo Chỉ số Đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 của Cơ quan viện trợ Concern Wordwide phối hợp với Cơ quan viện trợ Welthungerhilfe của Đức công bố ngày 15-10, đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang đẩy tình trạng đói nghèo đến mức báo động.        

Theo báo cáo, CH Trung Phi đứng đầu với tình trạng đói nghèo ở mức “báo động tột cùng” do các vụ bạo lực xảy ra tại nước này kể từ năm 2013. Trong khi đó, tình trạng đói nghèo ở CH Chad, Madagascar, Yemen và Zambia ở mức báo động. Trong số 117 nước được đánh giá, có 43 nước khác ở mức độ đói nghèo “nghiêm trọng”. 9 nước trong tình trạng đói nghèo “đáng lo ngại” có số điểm cao hơn so với năm 2010 là CH Trung Phi, Madagascar, Venezuela, Yemen, Jordan, Malaysia, Mauritania, Liban và Oman.

Theo báo cáo, những tiến bộ đạt được nhằm hướng tới mục tiêu giảm đói nghèo về mức 0% vào năm 2030 mà các nhà lãnh đạo thế giới đề ra “đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị đảo ngược”. Giám đốc điều hành Concern Wordwide Dominic MacSorley cho biết, có khoảng 45 nước không thể đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ người dân đói nghèo ở mức thấp vào năm 2030. Theo ông, các cuộc xung đột, tình trạng bất bình đẳng, tác động của biến đổi khí hậu đều góp phần làm cho tình trạng đói nghèo trầm trọng hơn và làm mất an ninh lương thực thế giới.

Trong khi đó, số người thiếu ăn (những người không thể tiếp cận thường xuyên với đủ lượng calo) đã lên tới 822 triệu người trong năm 2018, so với 785 triệu người năm 2015. Tình trạng nghiêm trọng nhất ghi nhận ở các nước khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi do các cuộc xung đột và nạn hạn hán triền miên.

Tình trạng đói nghèo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về an ninh lương thực toàn cầu, hơn 2 tỷ người trên thế giới thường xuyên không được tiếp nhận đủ dưỡng chất và thực phẩm an toàn. Tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra trên diện rộng ở cả châu Phi và châu Á, tác động lần lượt tới 20% và 12% dân số các châu lục này. Trên phạm vi toàn cầu, hiện có 149 triệu trẻ em chậm lớn do suy dinh dưỡng, gần 50 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng trầm trọng. Nghiêm trọng nhất là ở khu vực Mỹ Latin và Caribe, nơi tỷ lệ người thiếu ăn tăng liên tiếp trong vài năm gần đây, từ mức 4,6% dân số năm 2013 lên 5,5% năm 2018. Trong tuyên bố chung, những người đứng đầu các cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh: Tương lai của hàng triệu trẻ em đang bị đe dọa. Chúng ta không thể phớt lờ!

Nỗ lực đẩy lùi đói nghèo

Theo các chuyên gia, xung đột kéo dài, kinh tế sa sút và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính khiến nỗ lực đảo ngược xu hướng gia tăng đói nghèo càng trở nên hết sức khó khăn, đòi hỏi cam kết và hành động mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh những yếu tố như xung đột và thiên tai thì việc yếu kém trong hành động của con người và chính sách của các chính phủ, hay tình trạng thiếu nguồn tài trợ quốc tế cũng được coi là những yếu tố khiến cuộc chiến chống đói nghèo chậm về đích.

Cũng theo Liên hợp quốc, các cơ quan của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này mỗi năm cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho hàng trăm triệu người đói nghèo trên thế giới, trong đó có khoảng 10 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, bao gồm các hoạt động chăm sóc về dinh dưỡng, điều trị bệnh dịch, cung cấp dịch vụ vệ sinh dịch tễ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch cũng như các chế độ dinh dưỡng cần thiết cho phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, để có được thành công trong cuộc chiến chống đói nghèo và tình trạng suy dinh dưỡng trên toàn cầu, Liên hợp quốc cho rằng vẫn cần nhiều hơn nữa các nguồn tài trợ quốc tế.

Những nguyên nhân trên đang đe dọa các mục tiêu tham vọng của cộng đồng quốc tế, nhất là mục tiêu của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm một nửa số trẻ em suy dinh dưỡng vào năm 2030. Theo báo cáo đánh giá về tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), mới được tổ chức Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố, bất chấp các cam kết đối với SDGs, nhiều nước vẫn chưa triển khai những bước đi quan trọng để đạt mục tiêu đề ra. Ví dụ điển hình là, trong số 43 quốc gia được khảo sát, chỉ 18 nước đưa các SDGs vào trong kế hoạch ngân sách của chính phủ. Để giải quyết những vấn đề cản trở tiến độ thực hiện các SDGs, trong đó có bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, Liên hợp quốc khuyến cáo các chính phủ sẵn sàng các chính sách kinh tế-xã hội, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và đối phó hậu quả của những biến động kinh tế, bằng mọi giá phải duy trì các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, ưu tiên các chính sách đặt người nghèo ở vị trí được quan tâm...

Trong bối cảnh thế giới đang tiến dần tới thời hạn để đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Liên hợp quốc cũng đã đưa ra một loạt khuyến nghị, theo đó, cần thay đổi một số lĩnh vực chủ chốt trong hoạt động của con người và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, vì mục tiêu không còn đói nghèo vào năm 2030.

Nhằm giúp các nước đạt được SDGs, một nhóm gồm 15 nhà khoa học được Tổng Thư ký Liên hợp quốc chỉ định, đã đề xuất thế giới cần phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường, giảm bất bình đẳng xã hội và giới tính. Các chính phủ cần thực hiện những cải cách cần thiết. Những nước phát triển cần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ, trong đó hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đồ nhựa, khuyến khích đầu tư công và tư phù hợp với SDGs. Các nhà khoa học gửi đi thông điệp rằng, chỉ bằng cách thay đổi mạnh mẽ các chính sách, sáng kiến và hành động phát triển, thế giới mới có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Theo TTXVN