Tranh thủ thời cơ, đưa Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Khẳng định Ninh Thuận có lợi thế và điều kiện phù hợp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh cần tranh thủ mọi thời cơ, phát huy tối đa lợi thế để sớm phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục chuyến công tác, sáng 17/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận và làm việc với UBND tỉnh về giải toả công suất các nguồn năng lượng tái tạo.

Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Về phía tỉnh Ninh Thuận có thường trực Tỉnh uỷ, UBND, HĐND, các sở ngành, đại diện các nhà đầu tư trên địa bàn.

Mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình cung cấp điện trên địa bàn do Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh trình bày, điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 636,3 triệu kWh, tăng 11,5% so với năm 2017; tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 9,75%/năm, giai đoạn 2016-2018 đạt bình quân 7,35%/năm. Tính đến hết tháng 9 vừa qua, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh là khoảng 1.150 MW, trong đó điện mặt trời (ĐMT) khoảng 1.040 MW, điện gió 110 MW.

Về thực hiện đầu tư các nguồn điện, theo quy hoạch phê duyệt, tổng công suất các nguồn điện tại tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 khoảng 4.040 MW (không tính 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng triển khai). Nếu tính cả các dự án điện gió và ĐMT đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là trên 5.800 MW.

Tính đến 30/6/2019, tỉnh Ninh Thuận đã vận hành thương mại 19 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.050 MW, trong đó 15 dự án ĐMT (công suất 971 MW) và 4 nhà máy điện gió (công suất 79,4 MW).

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận bổ sung Trung tâm Điện lực Cà Ná công suất 6.000 MW, gồm 4 nhà máy điện khí sử dụng khí LNG nhập khẩu, vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về thực hiện các dự án lưới điện giai đoạn từ năm 2011 đến nay: Đã hoàn thành 3 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV. Hiện tỉnh đang chuẩn bị đầu tư 3 công trình lưới điện 500 kV, 5 công trình lưới điện 220 kV và 6 công trình lưới điện 110 kV.

Để giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải (bổ sung xây dựng mới 11 dự án, điều chỉnh tiến độ, quy mô 4 dự án); trong đó, có 9 dự án lưới điện 500 kV, 220 kV tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận cho thấy, hiện tại tỉnh có 10 dự án điện với tổng công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (215 MW). Ước tính đến 30/6/2019, 10 dự án này phải giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh gây thiệt hại cho chủ đầu tư khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình hình này còn tiếp tục đến cuối năm 2019 sẽ phải giảm phát khoảng 224 triệu kWh, gây thiệt hại khoảng 479,4 tỷ đồng.

Nhằm giải quyết quá tải lưới điện truyền tải dẫn đến phải giảm phát các nguồn điện năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị phương án lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy ĐMT tại khu vực Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW kết hợp với đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV đấu nối và truyền tải công suất các nhà máy khu vực lân cận vào hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, các bộ, ngành đang tích cực xem xét quyết định phương án này.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhất trí với đề xuất của tỉnh về việc khẩn trương đầu tư các công trình truyền tải để giải toả công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo triên địa bàn. Đối với các công trình đã có trong quy hoạch, ông An đề nghị EVN, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ để triển khai nhanh, giải toả công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo.

Đối với những công trình cấp bách đang đề xuất triển khai, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương và EVN sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư; thu hút nhà đầu tư theo hướng xã hội hoá.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát huy tối đa lợi thế

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, qua đó tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh được duy trì ổn định và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều tiềm năng lợi thế của tỉnh, nhất là các lợi thế về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao được nhận diện rõ hơn, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược và bước đầu khai thác hiệu quả. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Đặc biệt, tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió và ĐMT. Chỉ trong hơn một năm đã có hơn 1.000 MW năng lượng gió, mặt trời, qua đó, đóng góp lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ninh Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong đó có việc giải toả công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư và sắp đầu tư. “Trong thời gian tới, yêu cầu Ninh Thuận tiếp tục tranh thủ thời cơ, khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện nay, nhu cầu dùng điện ngày càng tăng, sức ép phải tái cơ cấu nguồn điện ngày càng lớn theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và ĐMT. Với tiềm năng riêng có của tỉnh, Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Nhiệm vụ chung là phải tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn. Triển khai trên cơ sở tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận. Tránh tình trạng phát triển phong trào, tự phát, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trên cơ sở quy hoạch, thực hiện kế hoạch hoá đầu tư, xác định rõ lộ trình để huy động nguồn lực, lựa chọn các công trình, dự án ưu tiên đầu tư.

Tỉnh cũng phải tăng cường công tác quản lý đầu tư, kiểm soát đầu tư theo quy hoạch, có kế hoạch, đảm bảo hiệu quả.

Phát triển nguồn điện phải gắn với năng lực giải toả công suất

Về phát triển các dự án điện, sau khi phân tích về nhu cầu công suất, yêu cầu thay đổi cơ cấu nguồn, đảm bảo an toàn hệ thống, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch. Phát triển nguồn điện phải gắn với phát triển hệ thống truyền tải để đảm bảo giải toả được công suất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ phát triển nguồn điện, tránh phong trào.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sớm đề nghị điều chỉnh Quy hoạch điện VII, đồng thời xây dựng Quy hoạch điện VIII. EVN phối hợp với các nhà đầu tư để đảm bảo các nhà máy nguồn điện phải gắn với truyền tải, giải toả công suất. “EVN chỉ ký hợp đồng mua điện với các nhà đầu tư khi đảm bảo điều kiện giải toả công suất. Nếu không, đây sẽ là thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thuỷ điện tích năng Bác Ái; yêu cầu các nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện các thủ tục bổ sung quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm Điện lực Cà Ná; Nhà máy ĐMT Thuận Nam và các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho ý kiến về một số vấn đề như điều chỉnh quy hoạch dự trữ khoáng sản; gợi ý một số yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm và tặng quà thầy và trò Trường Đặng Chí Thanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong chuyến công tác, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cho thầy và trò Trường Đặng Chí Thanh - trường học được đầu tư từ vốn xã hội hóa của Tập đoàn Trung Nam.

Phó Thủ tướng cũng thị sát khu quy hoạch dự án điện khí LNG Cà Ná với quy mô 6.000 MW và tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo ĐMT và điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên của Việt Nam, được hòa lưới trong năm 2019, đánh dấu bước tiếp cận mới cho chủ trương phát triển năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận. Tổ hợp gồm trang trại điện gió 4.000 tỷ đồng và ĐMT 6.000 tỷ đồng, được đấu nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia thông qua trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm.

Nguồn: chinhphu.vn