Ông Trần Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái cho biết: Là huyện miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, với 90% dân số là người Raglai, Churu, K’ho, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao trên 54%. Do đó, mục tiêu hàng đầu được Mặt trận huyện đặt ra chính là đa dạng các hình thức hỗ trợ nhằm giúp bà con có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, từ đó có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bằng nhiều hình thức, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tích cực phối với các cơ quan, doanh nghiệp đóng tại địa bàn huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Thăm, tặng quà tết; triển khai các mô hình sinh kế; vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo”, phát động và tổ chức thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái theo dõi đàn bò dự án 406.
Một trong những hoạt động được Mặt trận huyện triển khai xuyên suốt, có kết quả nhằm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo chính là xây dựng và quản lý hiệu quả nguồn Quỹ "Vì người nghèo". Bên cạnh nguồn quỹ của cấp trên hỗ trợ, căn cứ tình hình, điều kiện của mỗi địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các xã có những cách thức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng nguồn quỹ. Ngoài việc ủng hộ bằng tiền mặt, Mặt trận còn huy động ngày công lao động, giúp sức để làm nhà cho người nghèo. Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh và huyện hỗ trợ đã sửa chữa và xây dựng 105 nhà Đại đoàn kết, 91 nhà ở theo Quyết định 33/CP và 48/CP của Chính phủ, với tổng giá trị gần 3,5 tỷ đồng. Mặt trận huyện cũng trích một phần từ nguồn quỹ và vận động các tổ chức, cá nhân thăm và tặng trên 140 ngàn suất quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Trong nhiều năm liền do tình trạng hạn hán, đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Mặt trận huyện đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ gần 4.500 can nhựa, 1.000 bình chứa nước cho các hộ dân vùng hạn; tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ của Mặt trận tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt tại hai thôn Ma Lâm (xã Phước Tân) và thôn Gia É (xã Phước Bình).
Ngoài những hỗ trợ trên, Mặt trận huyện còn có những phương án “dài hơi” nhằm tạo sinh kế ổn định cho đồng bào DTTS nghèo. Theo đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mặt trận huyện tổ chức ký cam kết với 59 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, giúp đỡ cho 600 hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện phấn đấu thoát nghèo. Sau một năm thực hiện, các đơn vị tham gia đã theo dõi, giúp đỡ tích cực về kiến thức, phương tiện sản xuất, ngày công lao động, qua đó có 100 hộ thoát nghèo. Đặc biệt, điểm nhấn trong công tác hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững của Mặt trận phải kể đến là công tác triển khai và giám sát hiệu quả Đề án 406 về chăn nuôi bò sinh sản của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Đề án được triển khai thành 2 đợt vào năm 2016, 2017, trao 500 con bò cái sinh sản cho 250 hộ nghèo tại 4 xã: Phước Chính, Phước Đại, Phước Tân và Phước Bình. Trong thời gian qua đã có nhiều chương trình hỗ trợ bò sinh sản được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau nhưng có thể khẳng định rằng Đề án 406 có tác động tích cực giúp bà con nhận diện rõ chủ thể thoát nghèo đến từ nỗ lực của bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Sau thời gian triển khai với sự theo dõi chặt chẽ của Mặt trận huyện cũng như sự cầu tiến của các hộ dân khi nhận nuôi bò đề án, đến nay số lượng đàn bò đã tăng lên trên 800 con.
Có thể thấy trong thời gian qua, những kết quả đạt được trong công tác chăm lo cho đồng bào DTTS nghèo đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo địa phương và đời sống của bà con. Đây chính là tiền đề quan trọng để các cấp Mặt trận huyện Bác Ái tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tiếp theo.
Lê Thi