"Những thông tin về Việt Nam do Tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu đưa ra là không chính xác, không phản ánh đúng thực tế cũng như quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống rửa tiền. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền đến kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, vận dụng chuẩn mực quốc tế, thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị và các cam kết quốc tế để ngăn chặn hành vi này.
Đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền. Tại Việt Nam, rửa tiền là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc theo Bộ Luật Hình sự. Ngày 18/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, Chống rửa tiền. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về Phòng, chống rửa tiền và ban hành các văn bản pháp quy như: Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền và quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí và thông báo một số
hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Gần đây nhất, tháng 5/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 nhằm tăng cường phòng, chống rửa tiền, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này.
Bên cạnh nâng cao nhận thức toàn dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống tài chính - ngân hàng, hiện đại hóa hạ tầng, công nghệ, nâng cao năng lực quản trị theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, trong đó có rửa tiền.
Nhận thức rõ rửa tiền là một vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu, thời gian qua, Việt Nam coi trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong việc phòng, chống tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG) và là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont). Nỗ lực và kết quả trong phòng, chống rửa tiền của Chính phủ Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, trong đó có APG ghi nhận và đánh giá cao".
Trước vụ tấn công hai cơ sở dầu lửa ở Saudi Arabia vừa qua, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm: "Việt Nam lên án hành động phá hoại các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia vừa qua cũng như các hoạt động đe dọa sự an toàn và ổn định của Trung Đông và kêu gọi các bên liên quan nỗ lực giải quyết các bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm sớm chấm dứt bạo lực, khôi phục hòa bình và ổn định ở khu vực".
Theo TTXVN/Báo Tin tức