Lễ hội Katê đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đó là sự đóng góp của đồng bào Chăm, của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam; là cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách, đến các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Nỷ
Trên tinh thần đó, vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến đề nghị nâng Lễ hội Katê lên tầm cấp tỉnh, nhằm đảm bảo việc tổ chức Lễ hội xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; là lễ hội tầm cấp tỉnh và là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Katê đúng quy mô tầm cấp tỉnh và đảm bảo giữ gìn các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá bản sắc văn hóa đặc sắc của Lễ hội Katê đến người dân Ninh Thuận, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và du khách, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch gắn với các hoạt động của lễ hội. Phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo tỉnh), UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND huyện Ninh Phước giúp Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh tổ chức Lễ hội Katê ở 3 khu vực đền, tháp Chăm (Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rômê và Đền Pô Inư Nagar) long trọng, theo nghi lễ truyền thống. UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là trong đồng bào Chăm trong việc bảo tồn giá trị bản sắc riêng có của Lễ hội Katê xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ hội tầm cấp tỉnh. Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các đền tháp diễn ra lễ hội…Các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức đưa tin những hoạt động của lễ hội; tuyên truyền về người tốt-việc tốt và những điển hình tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng người Chăm Bàlamôn tại địa phương.
Nhật Nguyên