Thứ nhất, thực hiện kế hoạch sắp xếp lại các trường trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 03-12-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 và Chương trình hành động số 181-CTr/TU ngày 21-02-2018 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Thứ hai, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu thực tiễn phát triền kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Ninh Thuận, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết sổ 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ. Từ đó, xây dựng Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho Ninh Thuận và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Thứ ba, tạo môi trường giáo dục đại học thuận lợi, có uy tín để thu hút học sinh, sinh viên các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước về học tại Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận.
Thứ tư, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận sẽ là nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ninh Thuận, các tỉnh trong khu vực và cả nước, trong đó có nhân lực các ngành quan trọng như là năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch và văn hóa đặc trưng.
Thứ năm, sẽ thực hiện xây dựng Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận trở thành Phân hiệu mạnh để khi hội đủ các điều kiện sẽ hình thành Trường Đại học Ninh Thuận trong tương lai gần.
Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, Phân hiệu (mới) Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận sẽ có quy mô khoảng 2.000 sinh viên theo học, bao gồm những học viên sau đại học, sinh viên, học viên các hệ ngành, bậc và hình thức đào tạo và bao gồm cả sinh viên hệ cao đẳng chuyển sang từ Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Phân hiệu mới sẽ chủ động tuyển sinh, đào tạo tất cả các mã ngành và chương trình đào tạo hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận và Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận; đồng thời cũng chủ động đề xuất mở các mã ngành đào tạo mới theo lộ trình phát triển. Nơi đây sẽ hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế phục vụ quá trình đào tạo của Phân hiệu và phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Có thể nói việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sẽ góp phần giảm được đầu mối, tinh gọn được tổ chức, bộ máy quản lý, giảm chi hành chính; tạo cơ hội để mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng cho việc đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực của nhà trường; góp phần phát triển đa dạng nguồn nhân lực cho tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực. Giai đoạn 2025-2030, khi Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận hội đủ điều kiện sẽ hình thành Trường Đại học Ninh Thuận. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Ninh Thuận mở thêm các mã ngành: nông nghiệp vùng khô hạn, năng lượng tái tạo, văn hóa dân tộc, du lịch nhằm phục vụ nhu cầu và cung cấp nguồn lực đặc thù cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và sẽ hướng đến liên kết đào tạo với một số trường đại học có uy tín ở ngoài nước.
Nguyễn Phi Long