Cho đến trước lúc đi xa, Bác còn ân cần dặn lại trong Di chúc của mình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (1).
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật phát triển của Đảng
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng; là vũ khí sắc bén, thang thuốc “đặc hiệu” cần phải được nghiêm chỉnh tiến hành thường xuyên trong sinh hoạt Đảng. Vì vậy, V.I. Lênin coi “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn” (2).
Bác Hồ với quần chúng nhân dân Hà Bắc (2-1967). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng nguyên tắc này. Theo Người, người đời không phải thánh thần, ai cũng có tính tốt, tính xấu, nên không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (3). Đảng cũng vậy, cũng là một thực thể xã hội, cũng từ nhân dân mà ra, nên không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Do đó, Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để “dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng” và “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (4).Vì vậy, để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh tiền phong của mình, nhất định thường xuyên, hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở đảng “như rửa mặt hàng ngày”, nhằm đảm bảo chế độ sinh hoạt Đảng. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Nêu ưu điểm trước, vạch khuyết điểm sau và phải tiến hành đồng thời, không được coi nhẹ một mặt nào, “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau” (5).
“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là cuộc đấu tranh giữa giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, để “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” nên khi tiến hành phải “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa, phát huy được tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người” (6). Bởi, phê bình cũng như chữa bệnh cứu người, để giúp họ vui lòng nhận ra lỗi lầm mà sửa chữa, để khỏe mạnh trở lại trong cả suy nghĩ và hành động thì trước hết phải thương yêu, phải kịp thời, đúng lúc và đúng chỗ, công khai và thẳng thắn. Nếu làm trái những điều đó, tính giáo dục của thang thuốc tự phê bình và phê bình sẽ không còn tác dụng. Còn người bị phê bình phải thật thà nhận, công khai nhận và “vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”.
Đồng thời, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào”, “từ trên xuống, từ dưới lên”. Và để phê bình và tự phê bình bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, có chất lượng cần gắn với khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh.
Học và làm theo Bác không chỉ ở mục đích, phương pháp của tự phê bình và phê bình mà còn là xây dựng tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để kiến tạo một môi trường công tác dân chủ, đoàn kết và thống nhất.
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Thời gian qua, việc triển khai nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên cơ sở “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” đã mang lại những kết quả tích cực: Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nói chung, về tự phê bình và phê bình nói riêng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu về mọi mặt, nhất là không sa vào chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện như: tham nhũng, lãng phí, ham danh, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp; đồng thời phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị về tư cách đạo đức, về tinh thần nghiêm túc “tự phê bình mình” theo phương châm: trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự phê bình và tiến hành phê bình cấp dưới sau, sẽ góp phần xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức cơ sở đảng.
Theo TTXVN
--------------------------
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.61.
(2): V.I.Lênin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.37, tr.205-206
(3): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr 672.
(4): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.301.
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.307.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.