Phát biểu với báo giới trước cuộc hội đàm riêng rẽ với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Biarritz (Pháp), Tổng thống Trump đánh giá Thủ tướng Johnson đã "đúng đắn" trong vấn đề Brexit. Ông nhận định: "Ông ấy (Johnson) là một thủ tướng tuyệt vời".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (thứ 2, phải) trong cuộc gặp
bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp, ngày 25/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên nào về Brexit cho tân Thủ tướng Anh, Tổng thống Trump đáp: "Ông ấy không cần lời khuyên, ông ấy đang làm rất đúng công việc của mình".
Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ kể từ khi Thủ tướng Johnson nhậm chức hồi tháng trước. Trọng tâm của cuộc hội đàm trên là một thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ mới sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Hai nhà lãnh đạo dường như đều lạc quan về các cơ hội thành công. Thủ tướng Anh cam kết "chúng ta sẽ có một thỏa thuận tuyệt vời khi hai bên dỡ bỏ được các rào cản trên đường đi". Về phần mình, Tổng thống Trump lạc quan về triển vọng hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại lớn mà ông tin là là "lớn hơn mọi thỏa thuận từng ký".
Cũng trong cuộc họp báo trên, Tổng thống Trump cho biết Mỹ và Nhật Bản đang "ở rất gần" tới một thỏa thuận thương mại song phương lớn. Ông cho biết hai bên đã "nỗ lực vì điều này trong suốt 5 tháng qua. Đây sẽ là một thỏa thuận rất lớn, một trong những thỏa thuận lớn nhất mà chúng tôi từng ký với Nhật Bản".
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách đàm phán thương mại với Mỹ Toshimitsu Motegi cho biết hai nước đã đạt một đồng thuận lớn trong các cuộc đàm phán thương mại, và lãnh đạo hai nước hy vọng sẽ thảo luận bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp. Thông báo trên được đưa ra sau 3 ngày đàm phán song phương kéo dài giữa ông Motegi với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Đài NHK và hàng loạt nhật báo của Nhật đưa tin các quan chức hai bên đã thống nhất rằng Nhật Bản sẽ đánh thuế nông sản Mỹ ở mức tương đương với các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí trước khi Mỹ rút khỏi văn kiện này. Hai bên cũng nhất trí rằng Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với thịt bò và thịt lợn của Mỹ ở mức trong TPP, song sẽ áp đặt hạn ngạch đối với bơ và sữa tách chất béo. Sau sự ra đi của Mỹ, 11 nước còn lại trong TPP đã cùng nhau ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế.
Trọng tâm Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài 3 ngày tại Pháp xoay quanh cuộc tranh cãi thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và các mối đe dọa áp thuế của Mỹ đối với EU. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã bác bỏ những tin đồn về bất đồng, và cho biết ông đã có "một cuộc gặp tốt nhất từng thấy" với các lãnh đạo G7, do Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron chủ trì vào trưa 24/8. Ông nói: "Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận rất hữu ích, các nhà lãnh đạo rất hòa hợp với nhau".
Khu nghỉ dưỡng Biarritz, nơi vào giờ này trong năm thường là điểm đến ưa thích của các vận động viên lướt ván và khách du lịch, đã trở thành một nơi được bảo vệ cẩn mật bởi trên 13.000 cảnh sát và cấm du khách, để phục vụ cho hội nghị thượng đỉnh G7.
Bên cạnh các nhà lãnh đạo G7, Tổng thống Macron cũng đã mời một số lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tới dự hội nghị vào ngày 25/8. Các lãnh đạo G7 được hy vọng sẽ giảm căng thẳng quanh chương trình hạt nhân Iran, và thuyết phục Tổng thống Trump nới lỏng chính sách "gây sức ép tối đa" của mình bằng việc dỡ bỏ trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Tổng thống Pháp cũng sẽ thúc đẩy hành động chống cháy rừng Amazon, bất chấp việc Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phản đối đây là "sự can thiệp từ bên ngoài".
Theo TTXVN/Báo Tin tức