Những hệ lụy nếu Mỹ rút khỏi WTO

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tổ chức này không sửa đổi các điều khoản quy định mà theo ông là “ưu ái” Trung Quốc. Tuy đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump dọa rút khỏi WTO, song những tuyên bố này vẫn khiến dư luận lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn từ sau lời đe dọa trên.

Mỹ nhiều lần dọa rút khỏi WTO

Trong tuyên bố tại một sự kiện ở bang Pennysylvania ngày 14-8, Tổng thống Trump cho biết, Washington sẽ rời khỏi tổ chức này nếu Mỹ lâm vào tình thế “bắt buộc”. Theo Tổng thống Trump, Mỹ nhiều năm qua bị thua thiệt, và nếu WTO không sửa đổi các điều khoản quy định mà ông cho là “ưu ái” Trung Quốc thì ông Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức này, đồng thời thể hiện quyết tâm không để tình trạng này tái diễn.          

Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng từng đe dọa rút khỏi WTO, chỉ trích tổ chức này có cách đối xử không công bằng với Mỹ, đồng thời khẳng định Washington không cần tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức thương mại quốc tế này.

Vào ngày 30-8-2018, Tổng thống Donald Trump cũng đã từng cảnh báo sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu tổ chức này không thay đổi. 

Trong một bản ghi nhớ đưa ra hồi cuối tháng 7-2019, Tổng thống Trump cũng nêu rõ WTO hiện vẫn còn định danh kiểu cũ giữa những “nước phát triển” và “đang phát triển”, từ đó mang lại nhiều “lợi thế bất công” cho một số thành viên WTO. Vì vậy Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngưng đối xử với mọi thành viên WTO theo quy chế đối với một nền kinh tế đang phát triển, nếu tổ chức này không cải cách các quy định trong vòng 90 ngày. Tuyên bố này được cho là nhằm vào Trung Quốc, quốc gia hiện là nền kinh lớn thứ hai thế giới nhưng vẫn hưởng lợi từ quy chế nền kinh tế “đang phát triển” như nhận được đối xử đặc biệt, trong đó có việc hưởng mức thuế thấp hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chuyến thăm nhà máy Pennsylvania Shell ở Monaca.

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy chính quyền Washington không ít lần chỉ trích WTO đối xử không công bằng với Mỹ. Vì vậy lời đe dọa rút khỏi WTO mới nhất của Tổng thống Trump đưa ra ngày 14-8-2019 tuy không gây bất ngờ, song trong bối cảnh vai trò của tổ chức này thời gian qua đang bị lung lay do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, những lời đe dọa rút khỏi WTO như thế này vẫn đe dọa sẽ làm xói mòn hơn nữa hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.

Những thách thức đặt ra

WTO chính thức ra đời ngày 1-1-1995 và từng được coi như một thành công đặc biệt về thương mại và pháp lý cuối thế kỷ XX, với sứ mệnh là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. Kể từ khi ra đời đến nay, WTO đã thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải các tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng. Trong đó, Mỹ là một trong số nước góp công lớn trong việc xây dựng và củng cố các quy định thương mại trong WTO trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều nền kinh tế thành viên, trong đó có Mỹ, lại đang tìm cách tự giải quyết bất đồng mà không thông qua WTO, điển hình như các biện pháp trả đũa thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến vai trò của WTO bị lung lay trong hệ thống thương mại toàn cầu. 

Thực tế kể từ sau khi lên nắm quyền từ đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ đã nêu bật quan điểm làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Ông Trump nhiều lần cho rằng, nước Mỹ đang phải chấp nhận thương mại không công bằng với các đối tác chỉ vì vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Trump vì thế đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về WTO. Ngay cả trong thời gian khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump cũng đã từng lên tiếng chỉ trích WTO là “thảm họa”, cho rằng Mỹ đã bị “đối xử bất công” trong các vụ tranh chấp thương mại tại WTO. Lý lẽ ông Trump đưa ra là WTO được thành lập để mang lại lợi ích cho tất các nước ngoại trừ Mỹ, và Washington đã thua gần như tất cả vụ kiện ở tổ chức thương mại này.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã nhiều lần giành phần thắng trong các cuộc tranh chấp thương mại do WTO làm trung gian giải quyết, trong đó nổi bật nhất là vụ Mỹ kiện Liên minh châu Âu (EU) trợ giá hãng sản xuất máy bay Airbus gây tổn hại cho đối thủ Boeing của Mỹ.

Nhưng với những lý lẽ đưa ra như trên, Tổng thống Trump đã từng đe dọa sẽ có hành động chống lại WTO, dù không nói cụ thể. 

Cho tới nay, chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đang đẩy nước này vào những “cuộc chiến” cùng các hành động trả đũa của nhiều đối tác, đặc biệt là Trung Quốc. Không những vậy, trong trường hợp Mỹ rút khỏi WTO xảy ra, hậu quả được xem là rất lớn.

Đối với Mỹ, không còn là thành viên WTO đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 thế giới này, gồm các công ty trong nước, sẽ đối mặt với nhiều bất lợi. Trong trường hợp này, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu khắt khe khiến những công ty này khó cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của WTO. Các chuyên gia cho rằng, nếu không còn tư cách thành viên WTO, Mỹ có thể sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới nếu rút khỏi WTO.

Còn đối với nền kinh tế thế giới, việc Mỹ rút khỏi WTO cũng sẽ để lại tác động tiêu cực và nghiêm trọng, gây ra sự bất ổn ngày càng lớn đối với thương mại và có thể dẫn tới một thảm họa kinh tế. Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ rõ ràng đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO và việc nước này rút khỏi tổ chức sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn, bởi hiện Mỹ chiếm khoảng 11% thương mại toàn cầu. Nếu rút khỏi WTO, Mỹ có thể sẽ nâng thuế “vô tội vạ” và dẫn đến biện pháp đáp trả của các nước khác. Vòng xoáy này sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định, để có thể rút khỏi WTO, Tổng thống Trump sẽ không thể tự quyết định được việc này, mà phải thông qua Quốc hội Mỹ và không có gì chắc chắn các thượng nghị sỹ Cộng hoà trong Quốc hội cũng muốn Mỹ rút ra khỏi WTO, và các nghị sỹ đảng Dân chủ chắc chắn cũng sẽ phản đối và cản trở ý định trên của tổng thống Trump tại Hạ viện - nơi đảng này đang nắm quyền kiểm soát. 

Vì vậy, việc dọa rút khỏi WTO của Tổng thống Trump dường như chỉ là động thái nhằm gây sức ép để WTO cần phải có một số thay đổi nhằm có lợi cho Mỹ hơn mà thôi.

Theo TTXVN