Dấu ấn văn hóa Chăm
Theo các nhà nghiên cứu, đồng bào dân tộc Chăm có nguồn gốc ở Nam Trung Bộ nước ta, do những biến động của lịch sử nên di cư đến nhiều nơi. Hiện nay, dân tộc Chăm sinh sống tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang...
Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, lịch pháp, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…
Đông đảo du khách tham quan Tháp Po Klong Garai - Di tích cấp Quốc gia đặc biệt ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ
Văn hóa Chăm là một nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này tồn tại có hệ thống, khá toàn vẹn những tầng văn hóa nổi và còn chìm trong lòng đất, tạo nên nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cho đến nay, dù trải qua bao đổi thay, biến cố, đồng bào Chăm vẫn giữ được giá trị văn hóa ông cha để lại.
- Về văn hóa vật thể
Dọc duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nơi người Chăm cư trú trước đây đều để lại những dấu tích văn hóa của người Chăm, trong đó chủ yếu là những ngọn tháp rêu phong cổ kính, như: Lâm Ấp cổ thành tại Quảng Bình; tháp Bạc, tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên và thành Chà Bàn, tháp Thủ Thiện, tháp Hưng Thạnh tại Bình Định; tháp Nhạn tại Phú Yên; tháp Po Inư Nưgar tại Khánh Hoà; cụm tháp Hòa Lai, tháp Po Klaung Garai và tháp Po Rome tại Ninh thuận; cụm tháp Po Dam, tháp Po Sah Inư tại Bình Thuận. Đặc biệt, tại Quảng Nam, chúng ta có thể bắt gặp nhiều ngọn tháp đồ sộ và đa dạng nhất như Khu di tích Mỹ Sơn gồm 71 ngôi tháp, nay chỉ còn 21 tháp. Ngoài ra còn có tháp Bằng An, tháp Chiên Đàn, tháp Khương Mỹ...
Bên cạnh các di tích, văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc Chăm còn thể hiện qua các nghề thủ công. Theo các nghiên cứu, trước đây, người Chăm đã làm nhiều nghề thủ công để sinh sống như: làm gốm, dệt vải, đóng thuyền, nghề kim hoàn… Hiện nay đa phần đã thất truyền, chỉ còn gốm và thổ cẩm là còn phát triển. Nghề gốm hiện nay còn phát triển ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận). Một số thợ thủ công gốm đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm văn hóa độc đáo như các tượng, tháp Chăm và các đồ dùng trang trí, mỹ thuật... để phục vụ du lịch. Bàu Trúc cũng là địa điểm du lịch văn hóa dân tộc Chăm của tỉnh Ninh Thuận, đã được Nhà nước đầu tư để phát triển.
- Về văn hóa phi vật thể
Người Chăm đã sáng tạo những giá trị âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra những nhạc cụ độc đáo như: đàn Kanhi, trống Baranưng, kèn Saranai, chiêng… Với từng nhạc cụ, người Chăm lại tạo ra những giá trị văn hóa âm nhạc đặc trưng, không thể lẫn với các dân tộc khác.
Về điêu khắc, Viện Bảo tàng mỹ thuật điêu khắc Chăm và Khu di tích Mỹ Sơn chính là hai điểm thể hiện rõ nét nhất về sự tài tình trong nghệ thuật điêu khắc của người Chăm. Các tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá mà không khô cứng, trái lại rất sinh động, đường nét điêu khắc tinh vi, sắc sảo. Mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp khác nhau thể hiện được bản sắc dân tộc và tài năng của người nghệ sĩ.
Đi đôi với điêu khắc là hội họa. Hội họa chính là bước phác thảo, định hướng và gợi cảm hứng cho điêu khắc. Căn cứ vào những mô típ điêu khắc, các nhà nghiên cứu cho biết, nền hội hoạ của người Chăm trước đây phát triển khá cao.
Về kiến trúc, qua những di tích đền đài mà người Chăm để lại, các nhà nghiên cứu đánh giá là người Chăm đã đạt tới trình độ cao về nghệ thuật kiến trúc. Các tháp Chăm được đánh giá ngang hàng với các di tích Angkor của Campuchia hay các đền tháp khác của Đông Nam Á.
Một nét đặc sắc phải kể đến trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm chính là lễ hội, điển hình là Lễ hội Katê. Đây là Lễ hội của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; riêng ở Bình Thuận, Lễ hội này được phục dựng từ năm 2005 tại Tháp Po Sah Inư-Di tích cấp quốc gia với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Năm 2017, đồng bào Chăm Ninh Thuận đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Katê được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày nay, Lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Raglai ở Ninh Thuận.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Dù được đánh giá cao trong việc bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Nhiều di sản văn hóa Chăm đến nay vẫn không thể phục dựng được; hệ thống di tích Chăm xuống cấp nặng nề; nhiều giá trị văn hóa, nhất là các áng văn chương, truyện cổ, kinh, nhất là hàng chục nghìn trang thư tịch cổ... có nguy cơ bị thất truyền; việc biểu diễn các nhạc cụ truyền thống Chăm hiện nay mới chỉ bó hẹp trong sinh hoạt cộng đồng thông qua các nghi lễ tôn giáo, ít được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc. Các ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm ngày càng ít đi...
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, theo các nhà nghiên cứu, trước hết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm, phải để người dân tự hào với chính di sản của họ, từ chỗ tự hào họ sẽ biết cách giữ gìn. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa, các cấp chính quyền cần phát huy hết vai trò của các thiết chế văn hóa-tôn giáo truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm trong việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở.
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm đã có bước phát triển rõ rệt, ở mức khá so với các dân tộc thiểu số khác. Cùng với đó, Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được quan tâm, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Chăm được cải thiện.
Năm 2011, “Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận” được đưa vào hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm, cũng như giúp địa phương có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút du khách. Trung tâm có các khu trưng bày hình ảnh và cổ vật thuộc văn hóa Chăm; nông, ngư cụ truyền thống của người Chăm; các sản phẩm và trình diễn làng nghề gốm; các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền… với hơn 100 hiện vật quý hiếm, gần 400 hiện vật phục chế và nhiều bức ảnh về đời sống văn hóa của người Chăm… Trung tâm đã trở thành nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm, là chiếc cầu nối văn hóa mang những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm đến với bạn bè gần xa; đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu của các nhà khoa học về văn hóa Chăm.
Và một trong những hoạt động tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào Chăm với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm. “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V sẽ được tổ chức tại Phú Yên, trong đó điểm nhấn của Ngày hội là lễ khai mạc gắn với trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn được tổ chức vào tối 14-8 tại Quảng trường 1 tháng 4 (Tp. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đồng thời, trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm; giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, trích đoạn lễ hội dân gian; thi đấu thể thao dân tộc; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch của tỉnh Phú Yên và Hội nghị kết nối các tuyến, điểm du lịch của Phú Yên với các tỉnh Nam Trung Bộ…
Theo TTXVN