Sáng 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 36, xem xét, cho ý kiến về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Khắc phục bất cập, cách hiểu khác nhau
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã trình Quốc hội, UBTVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của 52 luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.
Toàn cảnh phiên họp thứ 36 của UBTVQH. Ảnh VGP/ Lê Sơn
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và 3 Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn có cách hiểu khác nhau về một số quy định của Luật. Để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, ban hành Nghị quyết để giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch.
Về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch, để bảo đảm thống nhất cách hiểu khi lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, dự thảo Nghị quyết giải thích theo hướng: Việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định tại Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch được thực hiện đồng thời. Các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được quyết định hoặc phê duyệt độc lập, trường hợp sau khi được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn, các quy hoạch cấp dưới phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng: Căn cứ Điều 158 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các trường hợp giải thích pháp luật, Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nêu trên để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thảo luận về nội dung này, các ý kiến của UBTVQH đồng tình với việc cần thiết ban hành Nghị quyết để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tuân thủ các nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, theo tờ trình của Chính phủ, việc giải thích quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch là để các Bộ, ngành, địa phương thống nhất cách hiểu trong việc lập các quy hoạch cấp dưới khi chưa có quy hoạch cấp trên (là căn cứ để lập quy hoạch cấp dưới).
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, vướng mắc nêu trên thực chất liên quan đến quy định về các căn cứ lập quy hoạch quy định tại Điều 20. Theo đó, một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là “quy hoạch cao hơn”. Do đó, về thứ tự phê duyệt quy hoạch, việc đề xuất các quy hoạch được phê duyệt độc lập với nhau sẽ không bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Mặt khác, quy hoạch cấp dưới nếu được phê duyệt trước có thể sẽ phải điều chỉnh nếu không phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị nên giải thích khoản 2 Điều 20 thay vì giải thích Điều 6 của Luật Quy hoạch, cụ thể theo hướng: Tại thời điểm lập quy hoạch, trường hợp Quy hoạch cao hơn quy định tại khoản 2 Điều 20 chưa được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới được lập, thẩm định đồng thời và căn cứ lập quy hoạch phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Luật Quy hoạch. Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch này, các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải phối hợp và hoàn thiện quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và mối quan hệ giữa các quy hoạch. Đến khi quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt thì cơ quan lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cấp dưới căn cứ quy hoạch cấp cao hơn để hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trao đổi thông tin ngay trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch để đảm bảo tích hợp, đồng bộ, liên kết.
Bảo đảm khách quan, áp dụng thống nhất
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH thấy rằng, trong quá trình triển khai việc thi hành Luật Quy hoạch mới đang có một số cách hiểu, vận dụng một số quy định của Luật còn khác nhau, điều này đã làm cho một số dự án, quy hoạch triển khai có những khó khăn, bất cập, vướng mắc. Do đó, UBTVQH thống nhất giải thích những vấn đề này để bảo đảm cho cách hiểu và áp dụng thống nhất quy định của Luật Quy hoạch theo đúng quy định của điều 158 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật về giải thích luật. Khoản 1 Điều 6 và khoản 2 điều 20 của Luật Quy hoạch được hiểu như sau: Việc triển khai lập các quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào hoàn thành trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.
Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các ngành, các cấp, các địa phương, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có sự chưa phù hợp thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn, bảo đảm tính liên kết, kết nối, liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển từ khâu lập, thẩm định quy hoạch. UBTVQH thống nhất, quy hoạch quy định ở điểm c, khoản 1, điều 59 Luật Quy hoạch được hiểu là trong quá trình thực hiện, các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực mà theo Luật Quy hoạch sẽ phải tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng chưa được phê duyệt thì được điều chỉnh nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch phải tích hợp được phê duyệt…
Qua thảo luận, xem xét, 100% UBTVQH có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giải thích một số điều tại Luật Quy hoạch. UBTVQH giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Theo www.chinhphu.vn