Thủ tướng làm việc với Bộ Quốc phòng

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Từ năm 1956, Bộ Quốc phòng đã chuyển nhiều đơn vị thường trực chiến đấu, với hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, hình thành nông trường trên các địa bàn trọng điểm tại Điện Biên, Mộc Châu, Tuần Giáo, Nà Sản, Nghệ An, Hà Tĩnh…; thành lập các đơn vị sản xuất chuyên nghiệp của quân khu và mặt trận tạo nên thế bố trí chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng hậu phương, khu căn cứ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội đã chuyển 280.000 cán bộ, chiến sĩ sang xây dựng kinh tế, hình thành nhiều nông, lâm trường trên biên giới và các địa bàn chiến lược, thực hiện sản xuất sản phẩm quốc phòng kết hợp với hàng hóa phục vụ dân sinh, tăng gia sản xuất tại chỗ nâng cao đời sống bộ đội.

Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, lực lượng quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng từng bước được kiện toàn, hình thành các đoàn kinh tế - quốc phòng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Để tạo điều kiện cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư và có cơ chế về đất đai, tài sản… cho Bộ Quốc phòng.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã giao đất quốc phòng để các đơn vị, doanh nghiệp quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực hiện ký hợp đồng sử dụng đất theo phương thức trả tiền sử dụng đất hàng năm, số thu nộp về ngân sách Nhà nước, cơ chế đó đang được thực hiện cho đến nay.

Các đơn vị quân đội đã tận dụng tiềm năng đất đai triển khai hiệu quả các mô hình trồng rau, chăn nuôi, xay xát, chế biến theo hướng cơ bản, thống nhất, bền vững; chủ động tự túc cây, con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để giảm công sức bộ đội, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Phát huy thế mạnh của từng đơn vị, địa phương để phát triển tăng gia sản xuất, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh.

Các nhà máy quốc phòng sử dụng đất đai để tổ chức sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị khí tài kết hợp phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu tác chiến, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đất nước. Một số ngành như viễn thông, đóng tàu có bước phát triển vượt bậc, đạt trình độ tiên tiến.

Các doanh nghiệp quân đội trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng vừa nghiên cứu phát triển các công nghệ kỹ thuật mới, sản xuất trang thiết bị cho quân sự vừa lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và kinh doanh có hiệu quả... đã tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư ở địa bàn vùng sâu, vùng xa và trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng đã tích cực chỉ đạo cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội với mục tiêu, cơ cấu lại nhằm giảm mạnh số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng của đất nước. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuần túy, thương mại, xây dựng, dịch vụ...

Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ 4.0, như Tập đoàn Công nghiệp -viễn thông Quân đội, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam... Khối doanh nghiệp quân đội hàng năm thu nộp khoảng 41.000 tỷ cho ngân sách Nhà nước (chiếm xấp xỉ 16% tổng số ngân sách do các doanh nghiệp Nhà nước thu nộp), tạo ra doanh thu đạt khoảng 5% GDP của đất nước.

Các đoàn kinh tế quốc phòng đã tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm nòng cốt giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ nhân dân địa phương phát triển sản xuất, ổn định đời sống, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; những kết quả đạt được của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong thực hiện chức năng của đội quân lao động, sản xuất thời gian qua. Đó là sự nỗ lực, thành quả rất lớn, có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh rất đáng trân trọng. Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng cần tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh các văn bản để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định, nhất là các nội dung: Cho phép các doanh nghiệp trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, các đơn vị, các đoàn kinh tế quốc phòng được sử dụng đất quốc phòng vào nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Kiên quyết thanh lý, thu hồi các hợp đồng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả; các hợp đồng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu quốc phòng cho thực hiện đến hết thời hạn. Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ, giữ ổn định tình hình quân đội, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Bộ Quốc phòng phải làm mẫu mực về cổ phần hóa, thoái vốn, bàn giao đất của các doanh nghiệp thuần túy về xây dựng, thương mại, dịch vụ và các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo luật định. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài để quản lý chặt chẽ, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất quốc phòng vào cả nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ xây dựng, phát triến đất nước, phù hợp với thực tiễn và chức năng nhiệm vụ của quân đội, không để lãng phí nguồn lực.

Theo www.chinhphu.vn