55 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam

Cách đây 55 năm, ngày 2 và 5-8-1964, trong trận đầu thử lửa, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với các lực lượng khác, chiến đấu mưu trí và dũng cảm, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ. Chiến thắng trận đầu là khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, của quân và dân miền Bắc, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh và giành chiến thắng trong đấu tranh chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng nòng cốt trên chiến trường sông, biển

Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng biển và bờ biển (từ Móng Cái-Quảng Ninh đến Cửa Tùng-Quảng Trị), ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ Bờ biển trực thuộc Bộ Quốc phòng-tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.

Ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định 320/NĐ thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ Bờ biển, với nhiệm vụ tham mưu cho bộ xây dựng, chỉ huy lực lượng, quản lý quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc. Đây là bước chuyển quan trọng từ nhiệm vụ nghiên cứu sang chỉ huy, chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Để bảo đảm cho Hải quân phát huy được sức mạnh hiện có và phát triển trong tương lai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và âm mưu leo thang tiến hành chiến tranh đánh phá ra miền Bắc, ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 01/QP thành lập Bộ tư lệnh Hải quân trên cơ sở Cục Hải quân. Đến đây, Hải quân đã trở thành một quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước phát triển quan trọng về quy mô tổ chức, sức mạnh chiến đấu và là lực lượng nòng cốt trên chiến trường sông, biển, lập nhiều chiến công.

Mở đầu trang sử hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam

Năm 1964, trước sức tiến công mạnh mẽ của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường cho máy bay trinh sát, tàu chiến vào sâu trong hải phận của ta, bắn phá dọc bờ biển từ Thanh Hóa trở vào Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 2-8-1964, tàu khu trục Mađốc (Maddox) của Mỹ đã ngang nhiên vào sát bờ biển để trinh sát và khiêu khích các lực lượng của ta. Đây là những hành động nằm trong mưu đồ tạo cớ mở rộng chiến tranh phá hoại, ngăn cản sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Kiên quyết trừng trị những hành động thách thức ngang ngược của địch, Phân đội 3 tàu phóng lôi của Tiểu đoàn 135 Hải quân đã dũng cảm tiến công tàu khu trục Mađốc, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.

Ngay khi tàu Mađốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta, giới cầm quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu khống Hải quân ta tiến công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế. Lấy cớ thực hiện kế hoạch “Mũi tên xuyên” đã được vạch ra từ trước, đế quốc Mỹ sử dụng tối đa lực lượng không quân của 2 tàu sân bay, gồm 40 máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, xuất phát gần 100 lần, chia làm 3 đợt, bất ngờ tấn công vào mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu của tàu Hải quân ta suốt chiều dài ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta trong ngày 5-8-1964, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta.

Đáp trả hành động này, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không, công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương đã chiến đấu hết sức mưu trí và dũng cảm. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ta đã đánh trả, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một tên giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 chính là chiến thắng mở đầu trang sử hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đây là chiến thắng của sức mạnh tinh thần toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường, bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược.

Là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mỹ.

Chiến thắng còn tạo được tiếng vang lớn trên thế giới về dân tộc Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng đã hạ gục được uy thế của “không lực Hoa Kỳ” ngay từ trận đầu, đem lại niềm tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu

Sau chiến thắng trận đầu, những năm 1965-1968 và 1972-1973, trong điều kiện vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tham gia chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh 716 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn chìm và bắn bị thương 45 tàu, thuyền địch, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đồng thời, Hải quân nhân dân Việt Nam đã nêu cao ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, làm nòng cốt phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang, các bộ, ngành, địa phương đánh bại chiến tranh phong tỏa sông, biển miền Bắc, mở tuyến, thông luồng, nối lại tuyến vận tải đường biển chiến lược chi viện miền Nam.

Thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường miền Nam, trong những năm 1961-1975, Hải quân nhân dân Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là một nhiệm vụ to lớn nhưng vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Nhưng với quyết tâm cao độ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển táo bạo, hình thành nhiều tuyến, bến bãi dọc ven biển miền Nam, đến tận cùng đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn, mưu trí vượt qua các phòng tuyến bao vây, phong tỏa của địch, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược, thuốc men, hàng chục nghìn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà đường Hồ Chí Minh trên bộ không vươn tới được. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trên chiến trường miền Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra cách đánh đặc công nước hết sức độc đáo, táo bạo trên chiến trường sông, biển, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần cùng các lực lượng trên khắp chiến trường miền Nam đánh chìm, đánh hỏng hàng nghìn tàu, thuyền địch, đánh sập hàng trăm cầu cống... Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hải quân huy động cao nhất tàu, thuyền để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu; phối hợp cùng Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển miền Trung, vùng biển Tây Nam, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Phát huy tinh thần quật cường của chiến thắng trận đầu, 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam đã luôn nêu cao vai trò nòng cốt cùng với các lực lượng ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Từng bước xây dựng thế trận liên hoàn: biển, đảo, bờ vững chắc chủ động bảo vệ chủ quyền đất nước.

Theo TTXVN